Giai đoạn 2021-2030, TP HCM dự kiến phát triển 6,58 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (khoảng 93.000 căn nhà). Thành phố xác định phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết căn cơ về nhu cầu nhà ở cho người dân, bảo đảm Thành phố là nơi có điều kiện sống tốt để lao động chất lượng cao; người dân cả trong và ngoài nước đến sinh sống, làm việc.
Khởi công hàng loạt dự án nhà ở
TP HCM đã liên tiếp khởi công hàng loạt công trình, dự án về nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động, người thuộc trường hợp tái định cư. Có thể kể đến Dự án chung cư nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư Tân Thuận Tây tại phường Tân Thuận Tây và phường Bình Thuận, Quận 7 (quỹ đất ở 20%) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Xuân Mai Sài Gòn làm chủ đầu tư. Dự án này nằm trên khu đất hơn 12.770 m2 với 1.300 căn nhà ở xã hội, hiện đang được thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở tại Bộ Xây dựng. Khu đất thực hiện dự án đã có hạ tầng kỹ thuật về đường giao thông kết nối, có trường tiểu học và các khối chung cư thương mại.
Đồng thời, Thành phố cũng chuẩn bị động thổ 2 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Đó là Dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư số 350 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình do Công ty cổ phần Đức Khải Tân Bình làm chủ đầu tư, với quy mô 374 căn hộ. Hiện dự án đã được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư và hoàn tất việc di dời các hộ dân trong dự án. Chủ đầu tư đang đề xuất được giao đất để đủ điều kiện cấp phép xây dựng theo quy định.
Ngoài ra còn có Dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư số 23 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1 do Công ty cổ phần Địa ốc Downtown làm chủ đầu tư, có diện tích gần 1.275 m2 với 160 căn hộ. Dự án đã được UBND Quận 1 công nhận chủ đầu tư; chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, chấp thuận đầu tư dự án. Hiện nay, chủ đầu tư đang thực hiện thủ tục giao đất để đủ điều kiện cấp phép xây dựng theo quy định.
Đối với các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, tiêu biểu có thể kể đến Dự án nhà lưu trú công nhân giai đoạn 2 tại Khu chế xuất Linh Trung 2, thành phố Thủ Đức đang trong giai đoạn ép cọc thử. Nhiều công nhân đang làm việc trong Khu chế xuất mong dự án sớm hoàn thành để cả gia đình được ở tại một căn hộ khang trang hơn.
Trước đó, Dự án này đã hoàn tất giai đoạn 1 và cho nhiều gia đình công nhân dọn vào ở với giá thuê khoảng 2 triệu đồng/tháng, cộng các chi phí điện, nước, phí dịch vụ thì tổng số tiền khoảng 2,8 triệu đồng/tháng.
Theo chị Phạm Thị Hậu, đang sinh sống cùng gia đình trong một căn hộ 35 m2 thuộc giai đoạn 1 của khu lưu trú công nhân này, mức giá thuê trên tương đương với tiền thuê phòng trọ bên ngoài, nhưng thuê trong khu lưu trú có nhiều tiện ích hơn.
Con gái chị học ở trường mầm non ngay trong khu lưu trú, còn vợ chồng chị chỉ cần đi vài bước chân là đến công ty nên không tốn tiền xăng xe. Nhờ tiền thuê vừa phải nên những năm qua, hai vợ chồng chị Hậu hàng tháng dành được một khoản tiết kiệm, tích lũy dần để vài năm nữa mua nhà.
Đối với các dự án nhà ở xã hội dành cho người dân tái định cư, TP HCM vừa tổ chức bàn giao 388 căn hộ tái định cư cho người dân tại Dự án cải tạo chung cư cũ, xây dựng mới chung cư số 100 đường Cô Giang, phường Cô Giang, Quận 1.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, một trong những cư dân được bàn giao căn hộ của Dự án, các căn hộ được xây mới khang trang, có lắp đặt sẵn bếp điện và toilet, có hệ thống thang máy hiện đại và lực lượng bảo vệ đảm bảo an ninh nghiêm ngặt khiến người dân rất phấn khởi và yên tâm khi đến ở.
Cải thiện điều kiện sống cho người dân
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết, quan điểm của Thành phố là chuyển mô hình nhà ở từ thấp sang cao tầng, tăng tỉ lệ nhà ở chung cư; ưu tiên phát triển dự án nhà ở thuộc các khu đô thị mới, hạn chế phát triển dự án mới trong nội thành để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, tạo quỹ đất phát triển giao thông, công viên, chỗ đậu xe, từ đó góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân.
TP HCM cũng khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời bố trí vốn ngân sách phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua; tăng tỉ trọng nhà ở cho thuê đối với phân khúc nhà ở giá rẻ.
TP HCM đặt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân tối thiểu đến năm 2025 là 10 m2/người, đến năm 2030 là 12 m2/người. Dự kiến giai đoạn 2021-2025, Thành phố phát triển 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (khoảng 35.000 căn nhà); giai đoạn 2026-2030 tăng 4,08 triệu m2 sàn (58.000 căn).
Khu vực trung tâm và nội thành tập trung xây dựng nhà ở chung cư cao tầng, đồng thời phát triển hạ tầng phù hợp với quy mô; đẩy mạnh phát triển nhà tại khu vực các quận nội thành phát triển như Quận 7, 12, Bình Tân và thành phố Thủ Đức để hình thành các hạt nhân trung tâm đô thị trên địa bàn.
Bên cạnh đó, TP HCM cũng chủ trương phát triển nhà ở tại những khu vực dọc theo các điểm kết nối tuyến giao thông công cộng trọng điểm, các tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, metro số 3a Bến Thành - Tân Kiên; từng bước phát triển hạ tầng tại các khu vực ngoại thành, để tạo lập các quỹ đất phát triển dự án nhà ở, ưu tiên các dự án nhà ở giá rẻ.
Ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND Thành phố sắp xếp lại quỹ đất do nhà nước quản lý để điều chỉnh quy hoạch, rà soát bổ sung chỉ tiêu triển khai quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội để đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện. Hiện Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương rà soát các chỉ tiêu quy hoạch, chỉ tiêu dân số để sớm triển khai việc này.
Sở Xây dựng cũng đề xuất UBND Thành phố mạnh dạn ủy quyền cho UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện các thủ tục đầu tư về nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú công nhân trên địa bàn ngay trong quý III/2022. Đề xuất thành phố bố trí nguồn vốn ngân sách thực hiện các dự án nhà ở xã hội để có nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phục vụ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Để thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, mới đây UBND TP HCM có văn bản quy định thời gian thực hiện thủ tục không quá 153 ngày làm việc đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của doanh nghiệp đã có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Trường hợp dự án nhà ở xã hội xây dựng trên đất do nhà nước trực tiếp quản lý (đất công), được đầu tư không phải bằng nguồn vốn đầu tư công thì yêu cầu thêm bước đánh giá năng lực của chủ đầu tư và tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, thời gian thực hiện tối đa 318 ngày. Quy định mới này được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới.
TP HCM còn triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính cho người có thu nhập thấp vay tạo lập nhà ở. Cụ thể, Quỹ Phát triển nhà ở TP HCM hỗ trợ người có thu nhập thấp là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách Thành phố được vay tiền để tạo lập nhà ở riêng lẻ hoặc nhà ở xã hội. Hạn mức vốn vay là 900 triệu đồng và không quá 70% giá trị căn nhà, căn hộ. Thời hạn cho vay tối đa là 20 năm; lãi suất 4,7%/năm.
Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội TP HCM triển khai chương trình cho người có công, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp… vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; trong đó, hạn mức cho vay tối đa 80% giá trị nhà, thời hạn vay tối đa 25 năm và lãi suất hiện là 4,8%/năm.