Theo Bloomberg, Foxconn đã đóng hai nhà máy tại Thâm Quyến. "Chúng tôi đã điều chỉnh dây chuyền nhằm giảm thiểu các tác động tiềm tàng thông qua các điểm sản xuất đa dạng tại Trung Quốc", đại diện Foxconn cho biết.
Theo Global Times, hai nhà máy của Foxconn bị đóng cửa gồm Longhua và Guanlan. Khu phức hợp này bao gồm nơi sản xuất iPhone, iPad và một số sản phẩm khác của Apple. Vào giai đoạn cao điểm, riêng Longhua có thể chứa hơn 200.000 công nhân.
Các chuyên gia đánh giá, tác động của quyết định trên đối với Apple có thể không lớn do đầu năm chưa phải là cao điểm mua sắm. Tuy vậy, việc sản xuất loạt thiết bị mới ra mắt, gồm iPhone SE 2022, iPad Air 5 và Mac Studio, nhiều khả năng bị ảnh hưởng.
Foxconn hiện có khoảng 40 nhà máy ở Trung Quốc. Gần đây, công ty cũng mở rộng để thu hút công nhân mới ở nhà máy Trịnh Châu - nơi lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới.
Bên cạnh Foxconn, các công ty công nghệ có trụ sở tại Thâm Quyến khác, như Huawei, DJI và Tencent cũng đã phải ngừng hoạt động. Ngày 13/3, Trung Quốc áp lệnh phong tỏa một tuần với 17 triệu cư dân ở Thâm Quyến sau khi số ca nhiễm tăng trở lại. Thành phố này hôm qua báo cáo 66 ca Covid-19 mới. Cùng ngày, Trung Quốc ghi nhận gần 3.400 ca Covid-19 mới do các đợt bùng phát liên quan đến biến chủng Omicron.
Theo Fortune, việc phong toả Thâm Quyến có thể gây ra sự gián đoạn lớn về chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực với các công ty công nghệ khác. Thành phố này hiện có cảng lớn thứ tư thế giới là Yantian, nơi khoảng 90% các lô hàng điện tử của Trung Quốc đi qua.
Tháng 6 năm ngoái, khi Trung Quốc phong toả Thâm Quyến một tháng vì Covid-19, cảng Yantian cũng tồn đọng một lượng lớn hàng hóa. Số hàng này sau đó phải mất nhiều tháng mới xử lý hết. Theo một đại diện của hãng vận tải Maersk, việc đóng cảng Yantian "gây gián đoạn ở mức nghiêm trọng hơn nhiều so với việc tàu Ever Given bị mắc kẹt ở kênh đào Suez".