Đại dịch Covid-19 tác động đến mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội, chuyển dịch mạnh mẽ hành vi người tiêu dùng và hoạt động thương mại doanh nghiệp, nhất là ‘solo-entrepreneur’ – doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ. Để duy trì kinh doanh, doanh nghiệp đã lựa chọn hợp tác với sàn TMĐT.
Dựa trên những số liệu trong Báo cáo TMĐT mới nhất của Lazada Việt Nam, hãy cùng ông Nguyễn Thanh Sơn – chủ tịch MVV Group, chuyên gia cấp cao Tư vấn chiến lược kinh doanh và truyền thông doanh nghiệp - phân tích ảnh hưởng của năm xu hướng được dự báo trong báo cáo lên hoạt động kinh doanh doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch MVV Group; Chuyên gia tư vấn Chiến lược kinh doanh và Truyền thông doanh nghiệp.
Social Commerce (Thương mại tương tác)
Tăng cường kết nối và tương tác trên các nền tảng trực tuyến đang trở thành một trong những xu hướng tất yếu của doanh nghiệp, đặc biệt trong trạng thái "bình thường mới". Những ứng dụng hay nền tảng mạng xã hội được dự báo phát triển bùng nổ và trở thành kênh bán hàng hiệu quả. Những hoạt động bán hàng thúc đẩy tương tác từ người dùng, livestream bán hàng… đều ghi nhận kết quả vượt trội trong năm 2021. Cụ thể, một phiên livestream của Lazada trong Lễ hội mua sắm 9.9 năm 2021 tạo ra doanh thu 700 triệu đồng chỉ trong 2 giờ, hay doanh số bán hàng từ livestream trên Lazada trong ngày 12.12 tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Thương mại tương tác còn được đẩy mạnh thông qua shoppertainment – hoạt động mua sắm kết hợp giải trí mà Lazada tiên phong phát triển. Thông qua LazLive, LazGame, LazCoin, SuperShow,… Lazada thúc đẩy sự tương tác liên tục với người dùng, mang đến trải nghiệm mua sắm được cá nhân hoá, từ đó thu hút khách hàng mới và "giữ chân" người dùng.
Vì vậy, để tăng doanh số bán hàng trên nền tảng trực tuyến hay TMĐT - nơi có hàng trăm livestream bán hàng trong cùng một khung giờ, các doanh nghiệp cần am hiểu các công cụ thúc đẩy tương tác trực tuyến để tiếp cận và tương tác hiệu quả với khách hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên tìm đối tác/nền tảng livestream phù hợp với mục tiêu kinh doanh và đối tượng khách hàng.
Nội dung do người dùng sáng tạo (user generated content - UGC)
Social Commerce thúc đẩy thương hiệu và nhà bán hàng nỗ lực tạo ra nội dung sáng tạo hơn. Từ đó, người dùng tương tác nhiều hơn với nhà bán hàng – thông qua việc theo dõi và phản hồi trực tiếp trên livestream, bình luận dưới bài viết, đánh giá sản phẩm trên các nền tảng mua sắm và mạng xã hội. Vậy nên, nội dung do người dùng sáng tạo tiếp tục trở thành "làn sóng" nội dung chủ đạo trong TMĐT.
Làn sóng này được nhận thấy rõ rệt nhất thông qua sự bùng nổ nội dung đánh giá (review) sản phẩm được mua từ các sàn TMĐT trên các mạng xã hội như TikTok, Facebook hay Instagram. Các nội dung đánh giá sản phẩm - dịch vụ này thường ngắn gọn, trực tiếp chỉ ra những điểm mạnh của sản phẩm - dịch vụ. Từ đó, những khách hàng tiềm năng đang trong quá trình cân nhắc mua sắm sẽ tiếp cận với thông tin nhanh chóng và rút ngắn thời gian quyết định.
Những nội dung này mang tính khách quan từ người dùng thực tế, giúp doanh nghiệp xây dựng lòng tin với sản phẩm – dịch vụ và lan toả rộng rãi đến cộng đồng.
Vì vậy, các doanh nghiệp nên khuyến khích và tạo động lực để người dùng sáng tạo nội dung thông qua các chương trình ưu đãi, cuộc thi với giải thưởng hấp dẫn trên các nền tảng mạng xã hội.
Mua sắm đa kênh trở thành tương lai của ngành bán lẻ
Việc bán hàng trên đa kênh - trực tuyến (online) đến ngoại tuyến (offline) - tạo nên hành trình mua sắm liền mạch, mang lại cho khách hàng trải nghiệm thuận tiện và xây dựng lòng trung thành của khách hàng.
Hành trình mua sắm được quyết định bởi 3 yếu tố: nền tảng cho phép truy cập và mua sắm mọi lúc, mọi nơi; dịch vụ giao hàng; và dịch vụ hỗ trợ sau khi mua hàng. Để nâng cao trải nghiệm mua sắm, từ khoá quan trọng nhất chính là ‘consistency’ – sự ổn định. Cụ thể là đảm bảo tính ổn định về hệ thống, công nghệ, sản phẩm… của nền tảng mua sắm; đảm bảo vận chuyển và giao hàng mọi lúc; và đảm bảo đồng nhất trong dịch vụ và xử lý vấn đề của khách hàng sau bán hàng.
Hành trình mua sắm đa kênh có rất nhiều điểm chạm với khách hàng mà một doanh nghiệp cần đầu tư một cách bài bản. Do đó, hợp tác với nền tảng TMĐT là một giải pháp hiệu quả, đáp ứng những vấn đề trên và tối ưu chi phí đầu tư cho doanh nghiệp.
Cá nhân hóa hành trình mua sắm của khách hàng
Ngày nay, vượt trên cả yếu tố sản phẩm hay giá cả, trải nghiệm khách hàng là yếu tố quan trọng nhất quyết định khách hàng có mua hàng và quay lại để tiếp tục mua sắm hay không. Trong đó, cá nhân hoá trải nghiệm trở thành xu hướng tất yếu bất kể với kinh doanh online hay offline.
Đặc biệt đối với TMĐT, cá nhân hoá các điểm chạm trong hành trình mua sắm giúp các sàn TMĐT tạo lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua thúc đẩy kinh doanh, chiếm lĩnh thị phần. Các sàn đều hướng tới việc đồng bộ dữ liệu tiêu dùng của khách hàng trên đa kênh, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để thu thập thông tin và cá nhân hóa dịch vụ; từ đó đề xuất danh mục sản phẩm tìm kiếm, dịch vụ, ưu đãi, quản lý đơn hàng… phù hợp với sở thích và mong muốn của khách hàng.
Đây là lợi thế lớn từ các sàn TMĐT mà các doanh nghiệp cần tận dụng để nâng cao trải nghiệm trong toàn bộ hành trình mua sắm của khách hàng và tăng trưởng doanh thu.
Đa dạng hóa phương thức thanh toán
Hiện tại ở Việt Nam, hình thức thanh toán khi nhận hàng (CoD) vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, số liệu cho thấy tỷ lệ thanh toán CoD cũng đã giảm từ 86% xuống 78% trong năm 2021. Trích dẫn số liệu từ Statista, báo cáo của Lazada Việt Nam chỉ ra rằng Việt Nam nằm trong top 3 những quốc gia có tỷ lệ người dùng thanh toán qua di động. Điều này cho thấy người Việt cởi mở với những hình thức thanh toán mới phù hợp với nhu cầu cá nhân và đảm bảo tiện lợi, nha chóng và bảo mật.
Giai đoạn thanh toán hay còn gọi là "điểm chi tiền" trong hành trình mua sắm của khách hàng đóng vai trò cốt lõi. Họ sẽ nhanh chóng "bỏ cuộc" nếu không tìm thấy giải pháp thanh toán phù hợp hoặc gặp phải những tình huống lỗi hệ thống. Vì vậy, bên cạnh hợp tác với những đối tác thanh toán, ngân hàng thì việc cộng tác cùng các nền tảng TMĐT là một lựa chọn tối ưu cho các doanh nghiệp để tăng cường đa dạng hóa giải pháp thanh toán mà vẫn đảm bảo an toàn với tính bảo mật cao.
Năm 2022 được dự báo tiếp tục là năm tăng trưởng mạnh của ngành TMĐT Việt Nam. Việc nắm bắt các xu hướng kể trên sẽ giúp các doanh nghiệp Việt xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp trong lộ trình chuyển đổi số, đồng thời tạo ưu thế cạnh tranh và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Bạn có thể đọc thêm về báo cáo "Thương mại điện tử năm 2021: Thích ứng và nhanh chóng vượt trở ngại từ Covid-19" của Lazada tại đây.