Công nghệ

Nhà mạng phải chặn Telegram tại Việt Nam

Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ) có văn bản gửi các doanh nghiệp viễn thông, đề nghị triển khai biện pháp ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam.

Văn bản nêu rõ, Cục Viễn thông nhận được văn bản của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an về việc phối hợp ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam.

Theo thông tin từ cơ quan công an về các vi phạm pháp luật liên quan đến ứng dụng Telegram, có tới 68% kênh, nhóm xấu độc trong tổng số 9.600 kênh, nhóm Telegram tại Việt Nam, nhiều hội, nhóm với hàng chục nghìn đối tượng tham gia, do các đối tượng chống đối, phản động tạo lập, tán phát tài liệu chống phá, xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến lừa đảo, rao bán dữ liệu người dùng, ma túy; có trường hợp nghi vấn liên quan đến khủng bố...

Giao diện của ứng dụng nhắn tin Telegram.

Giao diện của ứng dụng nhắn tin Telegram.

Theo quy định tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Telegram cung cấp thông tin xuyên biên giới cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam: Phải có trách nhiệm thông báo thông tin liên hệ cho cơ quan quản lý; kiểm tra giám sát, loại bỏ, ngăn chặn thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật theo quy định của Luật An ninh mạng và các quy định của pháp luật có liên quan khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).

Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam, không hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý thông tin vi phạm pháp luật thì các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam triển khai các biện pháp kỹ thuật để “Ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật. Áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của Internet”.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đề nghị Cục Viễn thông chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tiến hành các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động Telegram tại Việt Nam.

Việc lợi dụng hoạt động viễn thông thực hiện các hành vi chống phá, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự xã hội là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Viễn thông, khi đó doanh nghiệp viễn thông có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch vụ.

Bên cạnh đó, căn cứ theo pháp luật về viễn thông, từ ngày 01/01/2025 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet phải thực hiện thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên Telegram không chấp hành quy định.

Việc cung cấp dịch vụ viễn thông khi chưa được phép là hành vi bị nghiêm cấm, khi đó doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm triển khai các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn.

Cục Viễn thông đề nghị các nhà mạng triển khai các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan công an, báo cáo giải pháp, kết quả thực hiện bằng văn bản về Cục Viễn thông trước ngày 2/6/2025.

Các tin khác

Giá vàng bật tăng

Sáng nay (24/5), giá vàng đồng loạt tăng. Hiện giá vàng trong nước cao hơn thế giới trên 15 triệu đồng/lượng.

Phát hiện ra một loại nấm đường ruột có thể điều trị bệnh gan nhiễm mỡ

Các nhà khoa học cho biết một loại nấm đường ruột phổ biến có thể dẫn đến phương pháp điều trị mới cho một trong những chứng rối loạn gan mãn tính phổ biến nhất thế giới. Tình trạng này, được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng ( MAFLD ), ảnh hưởng đến hơn 1/4 người lớn trên toàn thế giới.

VRG và Petrovietnam ký kết hợp tác toàn diện

Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai tập đoàn kinh tế nhà nước, mở ra cơ hội phát triển bền vững, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Người dân hoang mang, không biết đâu là hàng thật, hàng giả

"Giờ người dân rất hoang mang, ra đường không biết mặt hàng nào được phép lưu hành, mặt hàng nào là hàng giả, hàng nhái", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá tiến độ thực hiện công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế do Bộ Y tế tổ chức sáng 23/5.