Lăn tăn xuống tiền vào bất động sản khi lạm phát tăng
Thoát 50% số lượng đất từ trong năm 2021, nhà đầu tư Nguyễn Nhân (Sóc Sơn, Hà Nội) đang phân vân về việc: Có nên tiếp tục xuống tiền vào bất động sản khi lạm phát đang có nguy cơ tăng?
Thừa nhận rằng, trong bối cảnh lạm phát tăng thì bất động sản vẫn là kênh trữ tiền an toàn nhất. Tuy nhiên, nhà đầu tư Nguyễn Nhân cũng cho rằng, thị trường bất động sản đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Một là giá đất ở đâu cũng tăng. Chắc do tâm lý sợ lạm phát nên ai cũng đi tìm đất. Nếu xuống tiền mua đất giá cao quá thì khả năng lời khó. Hai, điều tôi lo ngại nhất là lạm phát tăng, lãi suất ngân hàng tăng, sức mua giảm. Nguy cơ bất động sản đóng băng dễ xảy ra. Tôi lo ngại nhất là năm 2023, bất động sản sẽ đóng băng nên điều đó khiến tôi phân vân có nên xuống tiền hay không", anh Nhân chia sẻ.
Nhà đầu tư phân vân việc có nên xuống tiền trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Là một nhà đầu tư F0, anh Ngọc Thành (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang phân vân về việc xuống tiền vào một lô đất. Hiện tại, anh Thành đang có cơ hội mua lô đất nền với mức giá ưu đãi chiết khấu dành cho đại lý. Tuy nhiên, nhà đầu tư F0 cũng đang phân vân một điều, đó là nếu lạm phát tăng quá cao thì thị trường sẽ đổ vỡ. Điều ngày đồng nghĩa, số vốn bỏ vào bất động sản có thể đóng băng trong thời gian dài. Bên cạnh đó, nhà đầu tư này lo ngại những rủi ro khác có thể xảy ra trong quá trình đầu tư như vấn đề quy hoạch, biến động của dịch bệnh, nhu cầu thị trường.
"Giờ để tiền thì không có giá trị vì lạm phát ngày càng tăng. Nhưng bỏ tiền vào bất động sản cũng lo vì hiện tại thị trường đang có nhiều rủi ro", anh Thành cho hay.
Nhà đầu tư cần tự đánh giá cơ hội đầu tư
Khi nhắc đến lạm phát, các chuyên gia nhận định, xu hướng đổ tiền vào lĩnh vực bất động sản còn tiếp diễn bởi đây là kênh đầu tư an toàn. Tuy nhiên, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, khi lạm phát tăng mạnh, ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất, nhà đầu tư đối mặt với áp lực trả lãi cao và nguy cơ sức mua bất động sản giảm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Lộc Sơn Hà Land cho rằng, đối với thị trường bất động sản, khó khăn của người này chính là cơ hội của người kia. Nguyên tắc "trong nguy có cơ" luôn tồn tại.
Trong một toạ đàm mới đây, ông Đào Phúc Tường, chuyên gia tài chính đưa ra khuyến nghị, các nhà đầu tư muốn nắm giữ bất động sản trong ngắn hạn cần cẩn trọng khi thị trường bắt đầu vào giai đoạn nền giá cao, thanh khoản có thể chững lại. Ông Tường nhấn mạnh, trong bối cảnh nền lãi suất có khả năng tăng, lạm phát có thể vượt mục tiêu, những nhà đầu tư phải dùng tới đòn bẩy tài chính sẽ rất rủi ro.
Còn ông Phạm Anh Khôi, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ tài chính bất động sản (FINA) cho rằng, với bất động sản, cơ hội đầu tư luôn có, không chỉ năm nay, thời gian tới hay năm ngoái.
Tuy nhiên, theo ông Khôi, quan trọng là nhà đầu tư phải tự đánh giá mình là ai trong chuỗi đầu tư bất động sản, phải xác định xem mình tham gia giai đoạn nào và mỗi giai đoạn kỳ vọng khác nhau, từ đó rủi ro cũng sẽ khác.
Phân tích thêm về rủi ro trong đầu tư bất động sản, ông Khôi chỉ ra có 2 loại rủi ro chính, đó là rủi ro từ dự án và rủi ro từ thị trường. Các nhà đầu tư tham gia giai đoạn càng sớm thì rủi ro thị trường thấp, nhưng rủi ro của dự án cao hơn. Các dự án ở giai đoạn đầu sẽ được chủ đầu tư và nhà môi giới tích cực "làm thị trường" (quảng bá, xây dựng hình ảnh) để thu hút các nhà đầu tư khác. Điều này giúp cho tính thanh khoản cao. Tuy nhiên, thời điểm này, chính dự án ẩn chứa nhiều rủi ro hơn như uy tín chủ đầu tư, tính pháp lý.
Ở các giai đoạn đầu tư sau cao hơn, khi dự án đã được nên hình nên dạng, rủi ro từ chủ đầu tư sẽ giảm. Tuy nhiên, do giá trị dự án đã tăng hơn giai đoạn đầu rất nhiều, tính thanh khoản sẽ giảm đi đáng kể.
Cũng theo ông Khôi, nhà đầu tư cần xác định trước khi tham gia vào thị trường nào, khu vực nào, trở thành nhà đầu tư F0, F1 hay F3, F4. Quan trọng nhất, người tham gia phải đánh giá được khả năng chấp nhận rủi ro của mình là gì và phải có chiến lược đầu tư đúng với rủi ro. Luôn có cơ hội đầu tư bất động sản ở bất cứ giai đoạn nào.