Trong chia sẻ gần đây, các chuyên gia đã “mạnh dạn” dự báo về sự phục hồi của phân khúc đất nền. Tuy nhiên, niềm tin phục hồi chỉ đến từ đất nền ở các đô thị lớn, hoặc khu lân cận, trong khi đất nền dự án ở các tỉnh xa xôi chưa có tín hiệu khả quan..
Theo các chuyên gia, từ cuối năm 2023 trở đi, thị trường bất động sản nói chung và đất nền nói riêng có thể trở nên dễ thở hơn. Đến giữa hoặc cuối năm 2024, thị trường đất nền phía Nam có thể bắt đầu phục hồi. Chu kì tăng giá của đất nền sẽ rơi vào 3-5 năm tới. Tuy nhiên, để xảy ra chu kỳ này, cần có sự hội tụ của nhiều yếu tố như cung cầu, thông tin, hạ tầng, dòng vốn… mới có thể tạo ra những cơn sốt đất.
Việc tín dụng ngân hàng mở rộng, tâm lý nhà đầu tư dần cởi mở đang là lực đẩy giúp thị trường đất nền phục hồi.
Gần đây, các giao dịch đất nền đã có dấu hiệu tăng ở khu ven Tp.HCM và một số khu vực lân cận như Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu; trong khi các thị trường xa như Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng vẫn “im ắng”.
Chia sẻ về thị trường đất nền, anh Được, một nhà đầu tư lâu năm kiêm môi giới đất nền Tp.HCM cho biết, hiện chủ yếu vẫn là các giao dịch giảm giá so với giá thị trường chung. Nhưng thay vì thăm dò thì nhà đầu tư hiện đã mạnh dạn xuống tiền. Tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội giá tốt cũng đã xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, do mua đất nền phải xuống tiền 100% nên khá kén khách trong bối cảnh thị trường còn khó khăn như hiện nay.
“Những nhà đầu tư tính mua đất nền thời điểm đầu và giữa năm 2023, hiện bắt đầu lo lắng sợ mất cơ hội. Tâm lý muốn mua và muốn bán cùng xuất hiện. Họ kỳ vọng đất tăng giá từ cuối năm 2024 trở đi, nhằm “gỡ gạc” lại những gì phải gồng suốt thời gian qua. Tuy vậy, sức mua đất nền hiện chưa thể hiện đồng đều giữa các khu vực”, ông Được cho hay.
Nhiều dự báo đưa ra, từ giữa năm 2024 trở đi, khi các nguồn vốn đầu tư công được giải ngân mạnh mẽ và hạ tầng được hoàn thiện ở một số khu vực, có thể mở ra cơ hội cho giá đất tăng mạnh tại những địa điểm đó. Một số hiện tượng sốt đất cục bộ, nhỏ lẻ có thể xuất hiện trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau đó, giá không có xu hướng tăng, thị trường có thể trải qua giai đoạn đi ngang kéo dài vài năm.
Hiện nay, tâm lý của nhà đầu tư vẫn khá thận trọng khi đưa ra quyết định “xuống tiền”. Sức cầu vẫn giữ ở mức thấp, điều này làm tăng khả năng khó có thể xảy ra những cơn sốt đất trong thời gian ngắn.
Chia sẻ về triển vọng thị trường bất động sản nói chung, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield khẳng định, thị trường bất động sản sẽ dễ thở hơn vào cuối năm 2024.
Lý giải cho nhận định này, bà Trang cho biết khi đó lãi suất ngân hàng “dễ thở” hơn và thị trường thứ cấp sẽ có sự điều chỉnh giá để phù hợp với mức chi trả của người mua. Ở góc độ chính sách, các cơ quan nhà nước đang làm việc rất tích cực để gỡ vướng về pháp lý cho các dự án kéo dài nhiều năm qua, trong đó có thuế sử dụng đất, các dự án đang vướng rất lớn ở điểm này.
Về phía doanh nghiệp, các chủ dự án đang điều tiết và tung ra những chính sách ưu đãi, nới lỏng điều kiện thanh toán thuận lợi, hấp dẫn hơn, việc này tác động rất tích cực đến việc kích thích nguồn cầu, từ đó sẽ cộng hưởng mang lại những tác động tích cực đến thị trường nhà ở.
Theo bà Trang, hiện nay lãi suất huy động có giảm đáng kể nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa giảm, các ngân hàng vẫn siết tín dụng cho chủ đầu tư. Về người mua nhà, năm 2023 là một năm biến động khá lớn, rất nhiều người thậm chí mất việc làm nên đi vay cũng là điều không dễ dàng. Ngân hàng vẫn có “room” để cho vay với nhóm khách hàng này, tuy nhiên lãi suất cao quá nên cũng không hấp dẫn người đi vay.