Nếu tính trong 7 phiên giao dịch gần đây, VN-Index đã đánh mất 118 điểm, điều này khiến giới đầu tư phải chịu cả tuần đen tối.
Tâm lý bi quan đang khiến hiệu ứng bán tháo diễn ra mạnh trên sàn chứng khoán. Sau phiên lao dốc đầu tuần, VN-Index có nhịp hồi phục ổn định khi mở cửa phiên sáng 19/4, có thời điểm tăng 7 điểm trở lại. Tưởng như thị trường đã tạo đáy thì chứng khoán lại một lần nữa đảo lộn vào phiên chiều. Áp lực bán dữ dội trong khi lực cầu vẫn yếu khiến thị trường đảo chiều trong chốc lát.
VN-Index chuyển sang sắc đỏ sau thời điểm 14h và rơi nhanh ở nhóm vốn hóa lớn cũng như midcap. Kết thúc ngày ở mức thấp nhất 1.406,45 điểm, giảm 26,15 điểm, tương ứng 1,83% so với tham chiếu. Sắc đỏ phủ lên hầu hết các nhóm ngành trên sàn chứng khoán, đặc biệt là bất động sản, xây dựng, ngân hàng...
Đa phần nhà đầu tư đã rơi vào thua lỗ với mức giảm nhiều cổ phiếu hơn 20-25%, chưa tính vay margin. Nếu so với đỉnh hồi tháng 1/2022, nhiều cổ phiếu đã mất giá từ 40-70%. Đà giảm đột ngột thời gian ngắn này khiến nhà đầu tư choáng váng, không kịp cơ cấu danh mục. Tâm lý bi quan, chán nản muốn rời bỏ thị trường lan rộng khắp các diễn đàn, mạng xã hội về chứng khoán. Hôm qua, sàn HoSE ghi nhận 86 mã giảm sàn thì nay con số nâng lên 98 mã.
Ba sự kiện "tam tai"
Lý giải về đà rơi mạnh của chứng khoán giai đoạn này, ông Nguyễn Khoa Bảo, Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS cho rằng có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này. Ông Bảo chỉ ra ba sự kiện "tam tai" đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán khi chưa đi hết quý đầu năm.
Chứng khoán giảm mạnh 4 phiên liên tiếp. (Ảnh: FireAnt)
Thứ nhất, ông Bảo chỉ ra nhà đầu tư đang hoảng loạn trước nhiều thông tin lãnh đạo doanh nghiệp rơi vào vòng lao lý. Cụ thể, thời gian vừa rồi, thông tin Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị tạm giam đã khiến thị trường bị "vạ lây". Ngoài ra, thị trường cũng đối mặt với nhiều "tin đồn" như các doanh nghiệp bị thanh tra trái phiếu (GEX, HSG...) hay tân Chủ tịch Tập đoàn FLC Đặng Tất Thắng gom 100 triệu cổ phiếu FLC... Ngay cả khi các doanh nghiệp đính chính tin đồn, đà giảm vẫn không có dấu hiệu dừng lại.
"Những thông tin này không chỉ được nhà đầu tư bàn luận trong các hội nhóm mạng xã hội mà ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định đầu tư của cá nhân tham gia thị trường. Điều này tác động không nhỏ tới giá các cổ phiếu doanh nghiệp, trong đó, chủ yếu là tác động theo hướng tiêu cực", ông Bảo nói.
Thứ hai là thông tin về việc siết tín dụng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản và siết việc phát hành trái phiếu. Điều này khiến nhóm công ty chứng khoán, ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng do đây là những bên thu xếp cho việc phát hành trái phiếu. Đặc biệt, các ngân hàng đầu tư nhiều trái phiếu sẽ bị giảm nguồn thu, đồng thời phải tăng trích lập dự phòng rủi ro với một số doanh nghiệp chậm trả dẫn đến giảm lợi nhuận.
Tiếp theo là căng thẳng Nga - Ukraina khiến áp lực lạm phát dâng cao. Giao thương giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ chiếm khoảng 0,9% tổng giá trị xuất nhập khẩu và hai nước trên cũng không phải là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam ít nhiều đã bị tác động trong trung hạn.
Chứng khoán đang vào vùng quá bán
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta cho rằng sau phiên ngày 19/4, nhà đầu tư có thể nhận thấy áp lực về tình trạng call margin đã xảy ra trên diện rộng ở nhiều cổ phiếu.
"Trước đó chỉ có nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nhưng nay tình trạng này lan rộng ở cả nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Điều này khiến VN-Index mất 26 điểm, kéo dài chuỗi giảm mạnh những phiên gần đây. Kết hợp đó là tâm lý và lực cầu yếu xuyên suốt phiên hôm nay (19/4) cũng khiến lượng call margin tràn ra, thị trường giảm mạnh. Về cơ bản, chỉ số VN-Index đã giảm sát vùng hỗ trợ quan trọng là 1.400 điểm", ông Minh nói.
Ông Minh nhận định mức giảm phiên hôm nay khá bất ngờ khi lui về vùng đáy thấp hồi cuối năm 2021. Ông Minh cho rằng việc 4 phiên giảm mạnh liên tiếp phản ánh lực cầu hiện tại yếu, nhưng với mức chiết khấu mạnh của thị trường trong những phiên vừa qua, nhất là với nhóm cổ phiếu vừa và lớn, cơ bản tốt, đây là định giá hấp dẫn.
Ông Minh cho rằng việc 4 phiên giảm mạnh liên tiếp phản ánh lực cầu hiện tại yếu, nhưng với mức chiết khấu mạnh của thị trường trong những phiên vừa qua, chứng khoán đang ở vùng giá hấp dẫn.
Vị chuyên gia đánh giá mặt bằng chung các cổ phiếu hiện đã giảm mạnh và đang đi vào vùng quá bán trong ngắn hạn, có nghĩa là với vùng hỗ trợ tâm lý này, thị trường có thể xuất hiện những phiên hồi. "Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý là xu hướng ngắn hạn vẫn là giảm nên những phiên tới dù phục hồi nhưng chỉ mang tính phục hồi kỹ thuật, chưa thể xác nhận được xu hướng tăng ngay lập tức", ông Minh cho hay.
Giảm tỉ trọng, tránh call margin
Còn ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco nhận định nhịp giảm trong thời gian qua là tất yếu. Theo đó, nhiều mã cổ phiếu đã tăng quá nóng, vượt xa giá trị thực của doanh nghiệp. Đặc thù của thị trường chứng khoán Việt Nam là số lượng nhà đầu tư cá nhân rất lớn, tâm lý dễ bị ảnh hưởng bởi tin đồn, nên càng kích hoạt đà bán tháo với các cổ phiếu đầu cơ.
Theo ông Khoa, trong tháng 4 này, các doanh nghiệp đang dần công bố kết quả kinh doanh quý I/2022 và dòng tiền sẽ luân chuyển đến cổ phiếu của những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, ghi nhận kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp có sự tăng trưởng trong quý I có thể chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những doanh nghiệp tăng trưởng trên mức nền so sánh thấp của cùng kỳ. Nhóm thứ 2 là các doanh nghiệp có sự tăng trưởng ổn định qua các năm như ngân hàng, dệt may, thủy sản…
Thực tế, ông Khoa nhận định các phiên giao dịch tuần qua cũng cho thấy, các cổ phiếu ngành dệt may, thủy sản, phân bón - những lĩnh vực đang có sự tăng trưởng đột phá về lợi nhuận trong quý đầu năm đã lội ngược dòng đi lên. Ông Khoa dự báo, VN-Index có thể đi ngang trong vùng 1.400 - 1.450 điểm trong thời gian tới.
Chuyên gia đến từ Chứng khoán Yuanta đưa ra lời khuyên nhà đầu tư theo khuynh hướng giảm dần tỉ trọng. "Trong bối cảnh hiện tại, gặp rủi ro cao nhất vẫn là những nhà đầu tư có lượng đòn bẩy cao, chiến lược trong ngắn hạn tạm thời nên giải quyết lượng margin về mức thấp. Khi thị trường có những nhịp hồi thì nên đưa margin về mức thấp, thậm chí bằng 0 để tạm thời nắm giữ lượng vốn tự có, tránh hiện tượng call margin", ông Nguyễn Thế Minh cho hay.
"Đặc biệt, với nhà đầu tư đang nắm những nhóm cổ phiếu mạnh như hóa chất, công nghệ, bán lẻ... tôi cho rằng nhà đầu tư vẫn nên ôm những cổ phiếu này", chuyên gia Yuanta nói.