Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mới công bố tài liệu cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022.
Về kế hoạch kinh doanh, trong năm 2022, HĐQT Vingroup sẽ trình Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch năm 2022 với doanh thu thuần là khoảng 140.000 tỷ đồng, tăng 11,4% so với thực hiện năm 2021. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế là khoảng 6.000 tỷ đồng, trong khi năm 2021 VIC ghi nhận lỗ ròng 7.558 tỷ đồng.
Để thực hiện kế hoạch đề ra, VIC cũng lên kế hoạch cụ thể cho từng công ty con.
Theo đó, năm 2022, VinFast giới thiệu các mẫu xe ô tô điện thông minh ra thị trường toàn cầu, chính thức nhận đặt hàng đối với ba mẫu xe VF 5, VF 8 và VF 9. Đồng thời, VinFast tiếp tục bàn giao mẫu xe VF e34 đến cho khách hàng tại thị trường Việt Nam và chuẩn bị cho việc bàn giao VF 8, VF 9 cho thị trường toàn cầu từ cuối năm.
VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố kế hoạch kinh doanh kỷ lục trong năm 2022
Các mẫu xe điện mới được kỳ vọng giúp VinFast tiếp tục giữ vững vị thế tại thị trường nội địa, nhanh chóng xây dựng thương hiệu tại các thị trường quốc tế bao gồm Mỹ, Canada và châu Âu.
Đối với CTCP Vinhomes (VHM), sau thành công của 3 Đại đô thị là Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park, trong năm 2022 VIC sẽ ra mắt thị trường 3 đại dự án mới tại những thành phố lớn có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, giàu tiềm năng phát triển với nhu cầu nhà ở không ngừng tăng nhanh.
Những Đại dự án và Siêu dự án mang thương hiệu Vinhomes cũng sẽ có quy mô lớn, cảnh quan độc đáo, hệ thống tiện ích đẳng cấp và được ứng dụng nhiều tính năng thông minh trong quản lý vận hành. Với nền tảng thị trường ổn định, doanh số bán hàng năm 2022 kỳ vọng mức tăng trưởng tốt.
Đối với CTCP Vincom Retail (VRE), trong năm 2022, VRE dự kiến khai trương Vincom Mega Mall Smart City (Hà Nội) và 2 Vincom Plaza.
Cùng với đó, HĐQT VIC cho biết công ty sẽ triển khai nhiều hình thức huy động vốn trong và ngoài nước thông qua nhiều công cụ tài chính, kiểm soát hiệu quả việc đầu tư mở mới và tối ưu hoá hiệu suất sử dụng nguồn vốn để phục vụ chiến lược kinh doanh của Tập đoàn.
Ngoài ra, HĐQT Vingroup cũng sẽ trình Đại hội thông qua phương án niêm yết trái phiếu phát hành ra công chúng. Theo đó, công ty sẽ niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) toàn bộ các trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản và xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Tổ chức phát hành ra công chúng với tổng mệnh giá là 4.375 tỷ đồng.
Trong năm 2021, VIC ghi nhận doanh thu thuần đạt 125.688 tỷ đồng, tăng 15.198 tỷ đồng (tăng 14%) so với năm 2020. Tuy nhiên, năm 2021, VIC ghi nhận mức lỗ sau thuế 7.558 tỷ đồng, giảm 266% so với 4.546 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế ghi nhận năm 2020. Khoản lỗ lớn của VIC trong năm 2021 vừa qua là do Tập đoàn đã tài trợ 6.042 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 và các hoạt động tài trợ khác. Ngoài ra, VIC cũng trích lập dự phòng 4.494 tỷ đồng để thanh toán cho các khoản chi phí trả cho các nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng liên quan đến quyết định ngừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022 để tập trung nguồn lực cho xe điện.
Trong năm 2021, VIC đã nộp ngân sách nhà nước 24.758 tỷ đồng, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp là 10.772 tỷ đồng, thuế VAT là 4.027 tỷ đồng và thuế thu nhập cá nhân là 1.548 tỷ đồng, các loại thuế khác là 8.461 tỷ đồng.