Lý Hải (38 tuổi, Trung Quốc) là trưởng nhóm kinh doanh tại một công ty xây dựng - nơi anh quản lý trực tiếp 4 nhân viên dưới trướng. Theo nhận xét, anh là một người sếp giỏi khi liên tục tạo ra đột phá doanh thu cho công ty, nhưng ở khía cạnh quản lý đội nhóm, anh lại không được lòng nhiều người.
Cụ thể, Lý Hải dường như không để ý đến cảm xúc của người khác, thường xuyên phê bình, mắng mỏ nhân viên bất cứ khi nào mà cảm thấy "chướng tai gai mắt". Đã thế, Lý Hải còn nổi tiếng là một người thẳng tính theo hướng cực đoan. Anh ta sẵn sàng chê nhân viên của mình trước đám đông: "Sao hôm nay cô ăn mặc xuề xòa thế?", "Cậu làm việc thế này không bằng đứa trẻ con, thà đừng làm còn hơn"...
Khi nhân viên không hoàn thành tốt công việc, câu nói đầu tiên của Lý Hải là: "Tôi đã nói rồi". Câu này chẳng khác nào đang xát muối vào vết thương của nhân viên. Cứ thế, mối quan hệ giữa Lý Hải và nhóm nhân viên của anh càng ngày càng trở nên căng thẳng, những người xung quanh anh đều cảm thấy bị tổn thương quá mức. Rồi chuyện gì đến cũng đến, tất cả nhân viên trong nhóm Lý Hải phụ trách đã đồng loạt nộp đơn nghỉ việc trong một ngày với dòng lý do: "Tôi cảm thấy khó chịu khi làm việc với anh ta" (anh ta ở đây ám chỉ Lý Hải).
Ảnh minh họa: The New York Times
Thật ra, nguyên do Lý Hải bị đồng nghiệp "quay lưng" ở đây là do anh thiếu đi trí thông minh cảm xúc (EQ). Về cơ bản, Lý Hải là người có tài khi có thể lên được những kế hoạch kinh doanh tuyệt vời, giúp công ty đột phá doanh số... nhưng ở khía cạnh quản lý, hay kiểm soát cảm xúc của mình, Lý Hải lại thiếu sót rất nhiều. Chỉ vì những giây phút nóng nảy, chỉ vì những lần nhận xét "thẳng như ruột ngựa", chỉ vì những câu nói tưởng chừng như vô hại: "Tôi đã bảo rồi mà"... đã kéo các mối quan hệ nơi công sở của Lý Hải tệ đi từng ngày.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong phần lớn thời gian, cảm xúc điều khiển hành vi của chúng ta và hành vi của chúng ta quyết định thành công hay thất bại trong sự nghiệp. Các nhà lãnh đạo có khả năng thể hiện trí tuệ cảm xúc ở mức độ cao, đặc biệt là cách họ quản lý cảm xúc của chính mình và phản ứng với cảm xúc của người khác, thể hiện sự hài lòng nghề nghiệp cao hơn, tăng sự đồng cảm và cải thiện tinh thần đồng đội trong công việc.
Ngược lại, việc thiếu EQ là một nguyên nhân phổ biến khiến sếp thất bại trong việc quản lý nhân viên. Bởi lẽ, EQ thấp thường dẫn đến việc phòng thủ quá mức, giải quyết xung đột kém và không kết nối tốt với mọi người.
Ảnh minh họa: The New York Times
Biểu hiện của người sở hữu EQ cao
Điều gì tạo nên một nhà lãnh đạo tuyệt vời? Chắc chắn là kiến thức, trí thông minh và tầm nhìn. Về vấn đề này, Daniel Goleman, tác giả của cuốn sách Leadership: The Power of Emotional Intelligence (Tạm dịch - Lãnh đạo: Sức mạnh của Trí tuệ Cảm xúc) còn bổ sung thêm vào các yếu tố nhằm tạo nên một nhà lãnh đạo tuyệt vời là khả năng xác định và theo dõi cảm xúc của cá nhân và người khác cũng như khả năng quản lý các mối quan hệ.
Daniel Goleman, cựu phóng viên khoa học của The New York Times, nhà tâm lý học và đồng giám đốc của một tập đoàn tại Đại học Rutgers đã thực hiện một nghiên cứu về vai trò của cảm xúc, những phẩm chất liên quan đến trí tuệ cảm xúc để phân biệt những nhà lãnh đạo giỏi nhất trong thế giới doanh nghiệp. Những phát hiện của ông về biểu hiện của một người có EQ cao đã giúp ích cho rất nhiều người:
1. Có khả năng tự nhận thức
Sự tự tin thực tế: Bạn hiểu điểm mạnh và hạn chế của chính mình; bạn hoạt động dựa trên năng lực và biết khi nào nên dựa vào người khác trong nhóm.
Nhìn nhận sâu sắc về cảm xúc: Bạn hiểu rõ cảm xúc của mình. Ví dụ, nhận thức được điều gì khiến bạn tức giận có thể giúp bạn kiểm soát cơn giận đó.
2. Có khả năng tự quản lý
Khả năng phục hồi: Bạn giữ bình tĩnh trước áp lực và phục hồi nhanh chóng sau những khó khăn. Bởi lẽ, trong mọi cuộc khủng hoảng, đa phần nhân viên sẽ tìm đến sếp mình để được trấn an; nếu sếp bình tĩnh, nhân viên cũng sẽ an tâm.
Cân bằng cảm xúc: Bạn luôn kiểm soát mọi cảm xúc đau khổ - thay vì nổi giận với mọi người, bạn cho họ biết điều gì sai và giải pháp là gì.
Tự tạo động lực: Bạn tiếp tục hướng tới những mục tiêu hơn và bất chấp những thất bại trong hành trình chinh phục nó.
Ảnh minh họa: The New York Times
3. Có sự đồng cảm
Đồng cảm về nhận thức và cảm xúc: Bạn hiểu các quan điểm khác nhau của mỗi cá nhân và bạn hoan nghênh các thắc mắc của nhân viên. Sự đồng cảm nhận thức, cùng với việc xác định được chính xác cảm xúc của người khác sẽ giúp giao tiếp hiệu quả.
Biết cách lắng nghe: Bạn hoàn toàn chú ý đến người khác và dành thời gian để hiểu những gì họ đang nói mà không nói lấn át hoặc làm ngơ đi.
4. Có kỹ năng xây dựng mối quan hệ
Giao tiếp thuyết phục: Bạn đưa ra quan điểm của mình một cách thuyết phục, rõ ràng để mọi người có động lực cũng như hiểu rõ về mong mỏi của bạn.
Tạo môi trường thoải mái: Mọi người cảm thấy thoải mái khi làm việc với bạn. Một dấu hiệu dễ thấy: Họ cười đùa dễ dàng xung quanh bạn.
Cách cải thiện EQ
1. Luyện tập liên tục
Giống như hầu hết các kỹ năng khác, EQ hoàn toàn có thể cải thiện được bằng cách luyện tập liên tục. Bài tập đầu tiên và cũng được coi là quan trọng nhất để phát triển EQ chỉ đơn giản là học cách tạm dừng và suy ngẫm về cảm xúc của bản thân, đặc biệt là trong những tình huống căng thẳng hoặc áp lực. Điều này giúp bạn nhận thức và thấu cảm được cảm xúc. Chỉ cần thừa nhận cảm xúc và đặt tên cho chúng, bạn có thể bắt đầu hiểu được động cơ dẫn đến hành vi của mình.
Bài tập này dẫn đến khả năng tự nhận thức cao hơn và cuối cùng là tự do hơn để lựa chọn cách phản ứng tốt nhất, thay vì bị kiểm soát bởi sự bốc đồng trong mọi tình huống. Theo thời gian, bạn bắt đầu nhận thấy các yếu tố kích thích tiêu cực và từ đó học cách kiểm soát chúng. Thực hành bài tập này thường xuyên giúp bạn thấu hiểu cảm xúc của chính mình cũng như cảm xúc của những người xung quanh, đồng thời củng cố khả năng quản lý bản thân và những người khác.
Ảnh minh họa: The New York Times
2. Sử dụng phản hồi của người khác để xây dựng EQ
Một công cụ quan trọng khác để phát triển EQ mang tên "phản hồi 360 độ" - một công cụ giúp bạn xác định điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Có nhiều loại công cụ 360, nhưng một yếu tố quan trọng để phát triển EQ là khả năng so sánh sự tự đánh giá của cá nhân với đánh giá của người khác về hiệu suất làm việc của bạn.
Chỉ cần tìm và hoàn thành việc tự đánh giá, sau đó nhờ một đồng nghiệp đáng tin cậy (hoặc thành viên gia đình) - người biết rõ về bạn, hoàn thành nốt bản đánh giá tương tự về bạn một cách trung thực. Sự khác biệt giữa nhận thức của cá nhân và mọi người xung quanh sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về những "điểm mù" của bạn.
3. Huấn luyện EQ
Huấn luyện trực tiếp là một cách tiếp cận phổ biến để nâng cao EQ và kỹ năng lãnh đạo. Làm việc với một huấn luyện viên được đào tạo và có kinh nghiệm có thể giúp bạn có được những hiểu biết sâu sắc để phát triển tiềm năng của mình. Hiện nay, nhiều tổ chức nhận ra tầm quan trọng của việc đầu tư vào EQ của các nhà lãnh đạo và họ ủng hộ việc sử dụng huấn luyện bên ngoài hoặc nội bộ để cải thiện hiệu suất.
Theo The NewYork Times, Harvard Medical School