Doanh nghiệp

Công ty con của Sợi Thế Kỷ được vay 52,5 triệu USD từ các ngân hàng quốc tế

 Ảnh: STK.

CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) (bên bão lãnh) vừa công bố thông tin về việc công ty con là Công ty TNHH Sợi, Dệt, Nhuộm Unitex (bên vay) đã ký kết thành công khoản vay hợp vốn với tổng giá trị 52,5 triệu USD, tương đương gần 1.233 tỷ đồng.

Đây là khoản vay lớn nhất từ trước đến nay của công ty. Khoản vay hợp vốn này được hợp tác và tài trợ từ 5 ngân hàng nước ngoài tại châu Á với CTBC Bank và Kasikorn Bank là đầu mối thu xếp cấp tín dụng và bảo lãnh chính; Shanghai Commercial and Savings Bank (Offshore Banking Branch) và Entie Commercial Bank là các thành viên thu xếp cấp tín dụng và E.SUN Commercial Bank là thành viên thu xếp cấp tín dụng. CTBC Bank cũng đóng vai trò là điều phối viên và đại lý đầu mối của hợp đồng hợp vốn này.

Khoản vay trên được tài trợ bằng USD và có thời hạn vay là 57 tháng, sẽ được giải ngân trong năm 2023 và 2024. Tại ngày 31/12/2022, tổng nợ vay của Sợi Thế Kỷ là hơn 308 tỷ đồng, hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn từ các ngân hàng.

Khoản vay tài chính mới nhận được sẽ giúp cho Sợi Thế Kỷ có đủ nguồn vốn để mở rộng công suất sản xuất với dự án đầu tư nhà máy mới Unitex giai đoạn 1.

Nhà máy Unitex có công suất quy mô 60.000 tấn sợi/năm (giai đoạn 1 là 34.000 tấn/năm; giai đoạn 2 là 24.000 tấn/năm), trong đó chủ yếu phục vụ cho việc mua máy móc, thiết bị và hệ thống chính của nhà máy. Hiện tại, dự án đã triển khai công tác xây dựng và dự kiến hoàn thành lắp đặt máy móc đưa vào hoạt động chính thức giai đoạn 1 trong quý I/2024.

Chia sẻ thêm, ông Đặng Triệu Hoà, Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ cho biết, dự án mở rộng công suất của nhà máy Unitex được đầu tư nhằm nâng tổng công suất của công ty lên gấp đôi các nhà máy hiện hữu (nhà máy Củ Chi và Trảng Bàng). Dự án tập trung sản xuất và cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, sợi Recycle có các tính năng đặc biệt và các loại sợi có giá trị gia tăng khác cho các khách hàng thương hiệu.

Ngoài ra, với việc tăng tỷ lệ sản xuất các loại sợi đặc biệt thân thiện với môi trường như sợi Recycle, Recycle+ và sợi màu Dope Dye sẽ giúp công ty nâng cao tỷ trọng sử dụng nguồn nguyên vật liệu tái chế bảo vệ môi trường (hạt nhựa PET chip tái chế từ chai nhựa đã qua sử dụng).

Thông qua đó, dự án sẽ cắt giảm phát thải carbon footprint khoảng 50% so với sợi truyền thống, tiết kiệm nguồn nước sạch, không xả nước thải và hoá chất ra môi trường.

Mới đây, Sợi Thế Kỷ cũng đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 với mục tiêu 2.149 tỷ đồng doanh thu thuần, 253 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 2%, 5% so với cùng kỳ.

Công ty dự kiến phát hành hơn 12 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận về 15 cổ phiếu mới). Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023 sau khi được UBCK chấp thuận.

 

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC Sợi Thế Kỷ. 

Dự báo về khả năng phục hồi của các doanh nghiệp ngành dệt may, các chuyên gia của VNDirect kỳ vọng sẽ có bước ngoặt cho các doanh nghiệp sản xuất sợi trong quý III/2023, trong khi mảng gia công may mặc sẽ phải chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn.

Theo phân tích, do ở khâu thượng nguồn, các doanh nghiệp sản xuất sợi bị ảnh hưởng sớm hơn so với các doanh nghiệp hạ nguồn, do các khách hàng lớn giảm hàng tồn kho trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu.

Do đó, vì bị ảnh hưởng sớm, các doanh nghiệp sợi như Sợi Thế Kỷ, CTCP Đam San, Dệt may Hòa Thọ, Tổng CTCP Phong Phú cũng sẽ có tín hiệu hồi phục khá sớm so với các doanh nghiệp gia công may mặc. Ban lãnh đạo Sợi Thế Kỷ cho biết sản lượng bán ra trong tháng 2/2023 cải thiện so với quý IV/2022.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm