1. Hội chứng ống cổ tay (Carpal tunnel syndrome)
Hội chứng này xảy ra khi dây thần kinh giữa (median nerve) bị chèn ép tại ống cổ tay – một khe hẹp nằm ở mặt trước cổ tay. Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay bao gồm tê hoặc ngứa ran ở bàn tay và ngón tay (đặc biệt là ngón cái, trỏ, giữa), suy giảm lực nắm, đau lan lên cánh tay.
Nguyên nhân của tình trạng này thường là do các chuyển động lặp đi lặp lại như đánh máy, dùng máy móc, béo phì hay chấn thương cổ tay.
2. Thoái hóa đốt sống cổ (Cervical spondylosis)
Thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng hao mòn đĩa đệm và xương cột sống cổ theo thời gian, thường gặp ở người trung niên và cao tuổi.
Các triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ bao gồm tê hoặc ngứa ran ở cánh tay, bàn tay; đau và cứng cổ. Trường hợp nặng có thể gây tê cả chân và bàn chân. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do gai xương hay đĩa đệm phồng, gây chèn ép tủy sống hoặc rễ thần kinh.

Ảnh: Sierraregionalspine
3. Hội chứng lối thoát ngực (Thoracic Outlet Syndrome – TOS)
Đây là nhóm các rối loạn xảy ra khi dây thần kinh hoặc mạch máu ở vùng cổ dưới và ngực trên bị chèn ép. Các triệu chứng bao gồm tê ở cẳng tay, bàn tay hoặc các ngón tay; đau ở cổ, vai, cánh tay hoặc tay; yếu cơ tay.
4. Bệnh lý thần kinh ngoại biên (Peripheral neuropathy)
Bệnh thần kinh ngoại biên là tình trạng tổn thương hệ thần kinh ngoại biên khiến việc truyền tín hiệu giữa não – tủy sống và các bộ phận khác gặp trục trặc.
Các triệu chứng của bệnh bao gồm tê, ngứa ran tay; đau nhói hoặc đau như bị dao đâm; cảm giác như điện giật hoặc kim châm. Nguyên nhân phổ biến của tình trạng này là do tiểu đường, thiếu vitamin B, uống rượu nhiều và nhiễm trùng hoặc bệnh tự miễn.
5. Bệnh tiểu đường (Diabetes mellitus)
Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh, đặc biệt là bệnh thần kinh ngoại biên và hội chứng ống cổ tay. Triệu chứng liên quan đến tay bao gồm tê, yếu, đau hoặc ngứa ran ở bàn tay; giảm khả năng cầm nắm.
6. Tư thế ngủ không phù hợp
Tư thế ngủ đè lên cánh tay hoặc bàn tay có thể gây chèn ép tạm thời mạch máu hoặc dây thần kinh, dẫn đến tê, châm chích hoặc cảm giác như có "kiến bò" khi mới thức dậy. Tình trạng này thường mất đi sau khi thay đổi tư thế.
Nên tránh gối tay khi ngủ, sử dụng gối nâng đỡ cổ hợp lý để tránh xoay lệch cột sống.
7. Thiếu vitamin B12
Vitamin B12 rất cần thiết cho chức năng hệ thần kinh trung ương và ngoại biên, tổng hợp ADN và sản xuất hồng cầu
Tuổi tác, tiền sử gia đình, viêm dạ dày hay rối loạn tự miễn có thể dẫn đến tình trạng thiếu vitamin B12. Các triệu chứng của thiếu vitamin B12 bao gồm tê bì chân tay, yếu cơ, chán ăn.
8. Lạm dụng rượu
Rượu có thể gây tổn thương dây thần kinh – được gọi là bệnh thần kinh do rượu (alcoholic neuropathy). Những người uống rượu nhiều thường thiếu hụt các vitamin quan trọng, ảnh hưởng tới chức năng thần kinh.
Các biểu hiện của lạm dụng rượu bao gồm tê, đau, ngứa ran ở tay chân; yếu cơ; co rút, chuột rút hay rối loạn chức năng sinh dục.
9. U nang hạch (Ganglion cyst)
Đây là khối u lành tính, thường xuất hiện gần các khớp hoặc gân ở cổ tay hoặc bàn tay. Nếu chèn ép vào dây thần kinh, u nang hạch có thể gây tê tay hoặc đau khi ấn vào, kèm theo hạn chế vận động khớp. Thông thường, loại u này có thể tự tiêu mà không cần điều trị.
Cách khắc phục tình trạng tê tay khi ngủ
Tình trạng tê tay khi ngủ là vấn đề khá phổ biến, nhưng nếu kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên, nó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn. Tùy vào nguyên nhân, phương pháp điều trị có thể bao gồm thay đổi thói quen sinh hoạt, sử dụng thuốc hoặc can thiệp y tế. Dưới đây là những biện pháp hiệu quả để giúp giảm hoặc ngăn chặn hiện tượng tê tay khi ngủ:
Thay đổi tư thế ngủ
Tránh nằm đè lên tay hoặc cánh tay. Sử dụng gối hỗ trợ cổ để giữ tư thế đầu - cổ - vai thẳng hàng. Không gối đầu lên tay hoặc ôm tay quá chặt khi ngủ. Nếu tình trạng tê chỉ xảy ra thỉnh thoảng và hết sau khi đổi tư thế, bạn không cần điều trị y tế.
Tập thể dục và vật lý trị liệu
Thực hiện các bài tập cho hội chứng ống cổ tay giúp cải thiện triệu chứng và tăng sức mạnh cơ tay như bài tập giãn cơ, tư thế và tăng cường cột sống cổ hỗ trợ giảm triệu chứng do thoái hóa đốt sống cổ. Hỏi ý kiến bác sĩ vật lý trị liệu để được hướng dẫn bài tập phù hợp.
Dùng nẹp hoặc băng cổ tay (wrist splints)
Nẹp hoặc băng giúp giữ cổ tay ở vị trí trung tính, giảm áp lực lên dây thần kinh giữa. Có thể đeo vào ban đêm hoặc khi làm việc tay nhiều (gõ máy tính, lái xe, nâng vật nặng).
Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn
NSAIDs như ibuprofen hoặc aspirin giúp giảm viêm và đau nhẹ do hội chứng ống cổ tay, viêm khớp hoặc thoái hóa cổ. Tuy nhiên, cần chú ý không dùng quá liều hoặc kéo dài mà không có chỉ định của bác sĩ.
Thuốc bôi tại chỗ
Miếng dán lidocaine, kem capsaicin hoặc sản phẩm có menthol như Biofreeze có thể giúp giảm đau tại chỗ do thần kinh ngoại biên hoặc hội chứng ống cổ tay.
Bổ sung vitamin B12
Thiếu B12 là nguyên nhân phổ biến gây tê tay chân. Có thể dùng viên uống bổ sung B12, hoặc tiêm B12 nếu cơ thể không hấp thu tốt qua đường uống. Nên tăng cường thực phẩm giàu B12 như trứng, gan động vật, cá hồi, sữa.
Thuốc điều trị đau thần kinh (có kê đơn)
Thuốc chống trầm cảm (như amitriptyline, duloxetine): Giảm đau do tổn thương thần kinh
Thuốc chống co giật (như gabapentin – Neurontin, pregabalin – Lyrica): Hữu ích với đau thần kinh do tiểu đường, hóa trị.