Tác động của các lệnh trừng phạt và thái độ ngần ngại của các khách hàng đối với dầu Nga sẽ thể hiện rõ rệt từ tháng 5 trở đi, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm thứ Tư (13/4) cho biết.
Theo IEA, nhu cầu dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm, trong khi sản lượng từ các thành viên OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh, trong đó có Nga) tăng lên, cùng với việc Mỹ và các thành viên đồng minh trong IEA rút lượng dầu dự trữ khẩn cấp ở mức cao kỷ lục sẽ ngăn chặn xảy ra bất cứ tình huống thiếu hụt mạnh nào về nguồn cung trên thị trường dầu mỏ.
Cơ quan này cho biết thêm, nhu cầu dầu toàn cầu được kỳ vọng sẽ trở nên cân bằng với nguồn cung trong quý 2, ở mức 98,3 triệu thùng/ngày, từ đó có thể làm dịu lại cơn lạm phát giá năng lượng. Trong báo cáo trước đó, IEA dự báo thị trường sẽ cân bằng giữa cung và cầu vào quý 4 năm nay, tức là muộn hơn 2 quý so với dự báo mới nhất.
Kịch bản thị trường dầu mỏ trở nên cân đối giữa cung và cầu.
IEA cho biết: "Hiện tại, chúng tôi giả định rằng mức sụt giảm (trong tháng 4) sẽ lên tới trung bình 1,5 triệu thùng/ngày khi các nhà máy lọc dầu của Nga hoạt động chậm lại và người mua né tránh dầu Nga".
"Từ tháng 5 trở đi, trung bình gần 3 triệu thùng dầu thô của Nga mỗi ngày có thể sẽ biến mất khỏi thị trường thế giới, khi tác động từ các lệnh cấm vận và tự nguyện ngừng nhập khẩu dầu của Moscow thể hiện đầy đủ", IEA cho biết.
Trong báo cáo trước đây, IEA dự đoán từ tháng 4 này nguồn cung từ Nga sẽ bị giảm 3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, thời điểm giảm đang đến muộn hơn, bởi một số khách hàng, nhất là ở Châu Á, đã tăng mua dầu Nga, mặc dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc tăng mua.
Được biết, sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga đang giảm từng ngày, tính tới ngày 11/4 đã giảm xuống dưới 10 triệu thùng/ngày, chạm mức thấp nhất kể từ tháng Bảy năm 2020, do các lệnh trừng phạt và hạn chế về hậu cần cản trở hoạt động thương mại.
Reuters dẫn một số nguồn tin thân cận cho biết sản lượng dầu trung bình ngày của Nga đã giảm xuống 10,32 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 1-11/4, từ mức 11,01 triệu thùng/ngày của tháng 3, tương đương giảm hơn 6%.
Sản lượng của Nga tiếp tục giảm xuống còn 9,76 triệu thùng/ngày trong riêng ngày 11/4, theo tính toán của Reuters. Đó là mức thấp nhất kể từ khi sản lượng ở mức trung bình 9,37 triệu thùng/ngày vào tháng 7 năm 2020, khi sản lượng và nhu cầu bị sụt giảm do sự lây lan của dịch Covid-19.
Một trong những nguồn tin trên cũng cho biết nhà sản xuất dầu lớn nhất Nga tính theo sản lượng, Rosneft, đã ghi nhận mức sụt giảm sản lượng lớn nhất, xuống chỉ 2,87 triệu thùng/ngày trong giai đoạn ngày 1-11/4, từ mức 3,35 triệu thùng/ngày trong tháng 3.
OPEC hôm 11/4 nói với Liên minh châu Âu rằng các lệnh trừng phạt hiện tại và tương lai đối với Nga có thể tạo ra một trong những cú sốc về nguồn cung dầu tồi tệ nhất từ trước đến nay và sẽ không thể thay thế những khối lượng đó, đồng thời cảnh báo rằng họ sẽ không tăng cường bơm dầu nữa.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây cho biết sản lượng dầu của Nga có thể giảm từ 4% đến 5% trong tháng 4 so với tháng 3 do các vấn đề về bảo hiểm và sử dụng tàu chuyên chở.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga, Vladimir Putin, ngày 13/4 nói rằng Nga có thể dễ dàng chuyển hướng xuất khẩu các nguồn năng lượng khổng lồ của mình từ phương Tây sang các nước thực sự cần chúng.
"Khi nói đến dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga, chúng tôi sẽ có thể tăng tiêu thụ trên thị trường nội địa, kích thích quá trình chế biến sâu nguyên liệu thô", "Chúng tôi cũng sẽ tăng cường cung cấp các nguồn năng lượng cho các khu vực khác trên thế giới, nơi chúng thực sự cần thiết", ông Putin nói tại cuộc họp trên truyền hình với các quan chức để thảo luận về sự phát triển của vùng Bắc Cực thuộc Nga.
Tuy nhiên, không chỉ sản lượng giảm mà nhu cầu dầu mỏ thế giới cũng đang chậm lại.
Việc Trung Quốc mở rộng diện tích phong tỏa chống dịch Covid-19 và nhu cầu trong quý 1 thấp hơn dự kiến, nhất là ở Mỹ, đã khiến IEA - trong báo cáo lần này - hạ mức dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay – giảm 260.000 thùng/ngày.
IEA cho biết: "Dự báo nhu cầu chậm lại và sản lượng từ các thành viên ở Trung Đông của OPEC + tăng đều đặn, cùng với nỗ lực của Mỹ và các quốc gia khác không thuộc OPEC + sẽ đưa thị trường trở lại trạng thái cân bằng".
Cơ quan này cho biết tổng sản lượng của các nước thuộc OPEC + trong tháng 3 đã thấp hơn 1,5 triệu thùng/ngày so với mục tiêu, là mức chênh lệch (giữa sản lượng và mục tiêu) nhiều nhất kể từ khi nhóm này đưa ra các đợt cắt giảm sản lượng, vào tháng 5 năm 2020. IEA cũng dự báo mức chênh lệch đó sẽ còn tăng thêm nữa.
Trong những tuần gần đây, Mỹ và các thành viên khác của IEA – tổ chức gồm 31 thành viên - đã cam kết giải phóng tổng cộng 240 triệu thùng dầu khỏi kho dự trữ khẩn cấp. Kể từ khi có thông báo này, giá dầu thô Brernt đã giảm gần 9 USD xuống còn khoảng 105 USD/thùng.
Nguồn cung dầu trên toàn cầu.
Tham khảo: Refinitiv