CoinDesk cho biết khi còn làm việc tại công ty sản xuất kính thực tế ảo HTC Vive, Hackl có biệt danh "nhà truyền bá thực tế ảo". Khi chuyển sang công ty thực tế tăng cường Magic Leap, cô từng làm việc với Neal Stephenson - người đặt ra thuật ngữ metaverse. Hơn một năm trước, khi cơn sốt vũ trụ ảo chưa bắt đầu, Hackl đã thu hút sự chú ý lớn với bài viết "Metaverse đang đến và đó là một thương vụ lớn" đăng trên Forbes.
"Hackl được mệnh danh là mẹ đỡ đầu của metaverse và là một trong những người có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. BigThink đã vinh danh Hackl là một trong 10 phụ nữ có ảnh hưởng nhất lĩnh vực công nghệ năm 2020 và 2021. Cô cũng nằm trong danh sách Thinkers50 Radar và là nhà tư tưởng quản lý có khả năng định hình tương lai", trang chủ MWC 2022 viết trong phần thông tin diễn giả của sự kiện.
Hackl hiện là Giám đốc điều hành của Futures Intelligence Group - công ty tư vấn metaverse nổi tiếng. Trong cuộc phỏng vấn với CoinDesk, cô chia sẻ nhiều góc nhìn thú vị về việc tại sao metaverse sẽ lớn hơn nhiều những gì cộng đồng đang nghĩ và trong tương lai, vũ trụ ảo sẽ là một phần chiến lược mà mọi công ty cần hướng đến.
Nên hiểu metaverse thế nào cho đúng?
Theo "mẹ đỡ đầu metaverse", thế giới vẫn đang đang trong quá trình phát triển Web2 và chuyển dần sang Web3. Ở Web3, con người có thể kết nối với mọi thứ xung quanh từ địa điểm đến không gian và tài sản trong môi trường ảo. Nhưng với metaverse, mọi thứ kết nối sẽ có mặt trong thế giới thực với những nâng cấp đáng kể thông qua các thiết bị. Như vậy, Web3 được xem là phương tiện tạo ra metaverse và metaverse là sự hội tụ của cả yếu tố vật lý lẫn kỹ thuật số.
Metaverse sẽ là bước kế thừa của Internet và là một lối sống kỹ thuật số song hành với cuộc sống vật chất. "Khi mọi người nghĩ metaverse chỉ là thực tế ảo hoặc nhập vai, đó là cái nhìn khá hạn hẹp. Tôi cho rằng vũ trụ ảo còn nhiều lĩnh vực liên quan đến phần cứng VR (thực tế ảo), tính toán không gian, phần cứng thực tế tăng cường... Vì vậy các dự án blockchain chỉ là một phần nhỏ của chiếc bánh metaverse", Hackl nói.
Theo cô, một trong những yếu tố quan trọng nhất của metaverse là phi tập trung, vì vậy blockchain được xem là một thành tố cơ bản, còn NFT là bước đệm cho metaverse khi nói đến quyền sở hữu tài sản kỹ thuật số và danh tính kỹ thuật số.
Lợi ích của metaverse là gì?
Cathy Hackl nhận định, metaverse đang mở ra một cuộc chơi mà ngay cả các công ty truyền thống cũng có thể tham gia. Một thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng như Chipotle hay một công ty truyền thông xã hội như Snapchat đều có thể bước vào metaverse và tạo ra những giá trị kinh tế khổng lồ.
"Những khoản tiền rót vào các dự án metaverse đang không ngừng tăng lên. SoftBank dẫn đầu với khoản đầu tư 93 triệu USD trong vòng B của The Sandbox. Upland vừa huy động được 18 triệu USD, nâng mức định giá công ty lên 300 triệu USD. Ngoài ra đang có rất nhiều dự án blockchain liên quan đến metaverse, game NFT đang phát triển rất nhanh", Hackl nói.
Một trong những vấn đề cô quan tâm nhất trong giai đoạn tiếp theo của siêu vũ trụ ảo là hình đại diện sẽ đóng vai trò thế nào ở giai đoạn hậu Internet. Hiện tại, khi nhắn tin cho nhau, người dùng thường sử dụng các biểu tượng cảm xúc để thay một thông điệp nào đó. Nhưng trong metaverse, khi mọi người trò chuyện trực tiếp, làm sao ảnh đại diện có thể biểu hiện chính xác cảm xúc ngoài đời thực là vấn đề cần quan tâm.
Khi đó sẽ có rất nhiều cơ hội kinh doanh, sáng tạo được mở ra quanh một chiếc avatar như quần áo, trang sức... Người dùng sẽ đặc biệt chú ý mình trông như thế nào trong siêu vũ trụ, như mặc gì khi dự đám cưới, đi giày gì cho một sự kiện ngoài trời, chiếc đồng hồ nào sẽ thể hiện đẳng cấp... Metaverse mở ra một nền kinh tế hoàn toàn mới mà tất cả công ty truyền thống từ thời trang, làm đẹp đến thực phẩm đều có thể tham gia.
Hackl cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội trong vũ trụ ảo để các công ty tham gia và gắn bó nhiều hơn với tệp khách hàng trẻ.
Điều gì cản trở metaverse trở nên phổ biến?
Cathy Hackl cho rằng một trong những rào cản lớn của metaverse là người dùng quá ít. Vấn đề tiếp theo là làm sao thuyết phục được những người ở thế hệ trước tham gia vào một lĩnh vực công nghệ mới.
Nếu siêu vũ trụ hướng đến môi trường sở hữu kỹ thuật số, nó không thể chỉ có những người trẻ tham gia. Ngày nay, nhiều tài sản vật lý được chuyển lên môi trường số thông qua NFT. Tuy nhiên sẽ có những điểm lệch nhất định về việc sở hữu, giao dịch tài sản số với tài sản vật lý. Đây là những vấn đề phức tạp nếu nhìn về tương lai rộng hơn của vũ trụ ảo.
Tiếp đến là những giới hạn về vật lý. "Mẹ đỡ đầu metaverse" cho rằng cần phải có tính toán phù hợp liên quan đến chuỗi cung ứng chip toàn cầu nếu muốn vũ trụ ảo cất cánh. Cuộc khủng hoảng chip có thể làm mọi thứ bị chậm lại.
Một vấn đề quan trọng khác được nhắc đến là nhân sự. Cô cho rằng các công ty đang cạnh tranh nhân tài tring lĩnh vực metaverse và blockchain nói chung. Khi tất cả đều nhận ra tiềm năng của siêu vũ trụ, cuộc chiến nhân tài còn khốc liệt hơn. Vì vậy, nhân sự vẫn là một trong những mắt xích yếu khiến metaverse chưa thể bùng nổ trong thời gian gần.
Cathy Hackl cũng thẳng thắn khi đề cập đến cách tiếp cận siêu vũ trụ của Mark Zuckerberg. Cô cho rằng việc Facebook đổi tên thành Meta có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Tích cực là nó khiến khái niệm metaverse được đông đảo người dùng biết đến hơn, điều mà những người như Hackl đã cố gắng nhiều năm qua. Nhưng tiêu cực là mọi người đang hiểu nhầm metaverse là Facebook.
"Điều nguy hiểm nhất với metaverse là sự nhầm lẫn. Siêu vũ trụ không phải Facebook, không bao giờ là như thế", Hackl nhấn mạnh.
(theo CoinDesk)