Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3. Trong đó Chính phủ nhấn mạnh đến việc kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào các lĩnh vực có tính đầu cơ; tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp,...
Kiểm soát chặt dòng tiền vào lĩnh vực có tính đầu cơ
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung xử lý và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào các lĩnh vực có tính đầu cơ.
Tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Công an nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn về an ninh, trật tự dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5; tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến tín dụng đen, chiếm đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đất đai, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Bộ Quốc phòng chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không để bất ngờ, bị động trong mọi tình huống; quản lý chặt chẽ biên giới khi mở cửa du lịch. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy, buôn lậu tại các tuyến biên giới, hải đảo.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức chu đáo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại cấp cao theo Chương trình năm 2022 được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, văn hóa; ngoại giao vắc xin, ngoại giao y tế; thông tin đối ngoại, hợp tác quốc tế về ứng phó với dịch bệnh và bỉến đổi khí hậu.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thế giới và khu vực, trong đó có tình hình Ukraine để chủ động xử lý theo thẩm quyền những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, trong đó lưu ý thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là nhóm yếu thế, công dân tại khu vực chiến sự tại Ukraine.
Triển khai các chính sách ưu đãi về thuế, phí
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương, triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, phí hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế, trong đó theo dõi sát tác động đến nguồn thu ngân sách nhà nước của việc thực hiện nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi quy định của Luật Chứng khoán, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và các quy định khác có liên quan.
Đặc biệt là việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm để khắc phục những bất cập của quy định pháp luật về chứng khoán và trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch, phát triển bền vững và xử lý nghiêm các sai phạm theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá và việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các vi phạm.
Hoàn thiện hồ sơ dự án vành đai 4 Vùng Thủ đô, vành đai 3 TP HCM và ba dự án cao tốc
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 - 2023, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ cũng được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc khẩn trương tổng hợp, trình Chính phủ phương án phân bổ vốn cho ba Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu tập trung hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án Đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Đường vành đai 3 vùng TP HCM.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai, đôn đốc, có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án giao thông quan trọng quốc gia.
Chẳng hạn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các tuyến đường bộ kết nối Tây Nguyên với miền Trung; các tuyến đường bộ cao tốc vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án giao thông quan trọng quốc gia (ba dự án đường cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng).
Ngoài ra Nghị quyết của Chính phủ còn yêu cầu thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện trong năm 2022; Xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất các mặt hàng nông sản có kim ngạch nhập khẩu lớn; Khẩn trương tổ chức mua, tiếp nhận các nguồn vắc xin và tích cực triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi...