Hans Juliano, 23 tuổi người Indonesia, đang học thạc sĩ năm thứ hai tại Đại học Quốc lập Yang Ming Chiao Tung (NYCU) ở Tân Trúc - nơi được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Đài Loan. Anh là một trong những sinh viên Đông Nam Á chọn Đài Loan làm điểm đến khi cơn sốt chip ngày một lớn.
"Nhận được học bổng ở Đài Loan khá dễ. Bạn chỉ cần vượt qua bài kiểm tra trình độ tiếng Anh", Juliano nói với Rest of World.
Theo Cục Thống kê Đài Loan, giai đoạn 2023-2024, có 23,7% sinh viên quốc tế tham gia chương trình sau đại học ở Đài Loan là từ Việt Nam, 14% từ Indonesia và 9% từ Malaysia. Tuy vậy, số sinh viên Đông Nam Á học ngành bán dẫn ở Đài Loan vẫn khiêm tốn, vì họ vẫn ưu tiên học tập ở phương Tây để "trải nghiệm một nền văn hóa khác", theo Rest of World.
Phuong Thao, đang học năm thứ hai chương trình thạc sĩ tại NYCU, cho biết ngôn ngữ cũng là rào cản lớn. Khi đang là kỹ sư tại công ty sản xuất linh kiện máy bay ở Hà Nội, cô nhận được thông tin về học bổng toàn phần ở Đài Loan trong hai năm và quyết định đăng ký. Cô đang phải dành thời gian học tiếng Quan Thoại với hy vọng kiếm được công việc ở Đài Loan sau khi ra trường.
Còn với Juliano, việc chăm chỉ học tiếng Quan Thoại song song với học chuyên ngành đã được đền đáp. Nhà sản xuất chip Micron (Mỹ) đã đưa ra lời mời làm việc "với mức lương và tiền thưởng khá cao". Anh cũng không có kế hoạch sớm quay lại Indonesia vì "chúng tôi không có ngành công nghiệp bán dẫn".
Đài Loan, nơi tập trung các nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới, cũng đang lôi kéo những người như Juliano vì phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân tài trầm trọng. "Khi các công ty như TSMC mở rộng hoạt động, nhu cầu công nhân lành nghề tăng cao", Brady Wang, Phó giám đốc hãng nghiên cứu Counterpoint Research, cho biết.
Theo Nikkei Asia, Đài Loan cũng đang hỗ trợ công ty bán dẫn ở đây tìm kiếm nhân sự. Năm ngoái, họ bắt đầu tổ chức các đoàn tuyển dụng tới Đông Nam Á. Sáu công ty chip, gồm TSMC, ASE Technology Holding và MediaTek, tham gia chuyến tham quan đến Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và tuyển tổng cộng 316 ứng viên đến đảo Đài Loan làm việc hoặc học tập, một kết quả được đánh giá "rất tốt".
"Đảo Đài Loan đang thiết lập hợp tác với các nước Đông Nam Á. Sinh viên và người lao động bị thu hút bởi mức lương hấp dẫn so với ở quê hương của họ", một nhân vật giấu tên trong phái đoàn cho biết.
Tại Đại học Khoa học và Công nghệ Minghsin (MUST) ở Tân Trúc, 700 trong tổng số 2.300 sinh viên tới từ Việt Nam. Tháng 7/2023, MUST mở văn phòng tại TP HCM để tuyển sinh viên Việt. Các chương trình tuyển dụng này được cho là phản ánh rõ rệt nỗi lo của đảo Đài Loan về tình trạng thiết hụt nhân tài trong các công ty công nghệ.