Nhiều người bạn của tôi là sếp nhỏ, sếp lớn . Nếu hỏi họ trong quá trình quản lý, khó khăn nào là lớn nhất thì "tuyển người" chắc chắn là một trong ba vấn đề hàng đầu.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ hiện đang phải đối mặt với hai thách thức:
1. Tuyển người khó;
2. Không giữ được người;
Chính xác hơn là nhiều doanh nghiệp vừa và lớn cũng gặp phải vấn đề như vậy.
Có thể nói, ngoại trừ một số ngành nghề đặc biệt ổn định như công chức, giáo viên, ngân hàng, nhân viên y tế,… kể cả những công ty lớn, có chế độ đãi ngộ tốt thì tỷ lệ luân chuyển của người lao động vẫn tương đối cao, đặc biệt là lực lượng nhân sự trẻ.
Trên MXH từng xuất hiện một topic rất hot: Đâu là lý do khiến những người trẻ hiện tại thường xuyên nhảy việc?
Đã có rất nhiều tờ đơn xin nghỉ việc với nhiều phong cách khác nhau được đem ra bình luận bên dưới. Trong số đó, tờ đơn dưới đây có lẽ là tờ đơn với nội dung hài hước nhất:
"Kính gửi sếp:
Sếp không cho tôi đủ tiền để tìm bạn gái;
Tước đi thời gian để tôi tìm bạn gái;
Thậm chí hủy hoại luôn cả thể chất tôi có để tìm bạn gái;
Vì thế nên, tạm biệt sếp!"
Tuy đây chỉ là câu chuyện vui nhưng nếu đọc và tìm hiểu kỹ, bạn sẽ thấy từng câu chữ của nó lại rất đáng suy ngẫm. Trên thực tế, dù là người trẻ hay người không còn trẻ thì lý do khiến một người nghỉ việc thường không thoát khỏi 3 điều dưới đây.
Tôi từng đọc đâu đó bài luận về Tam Quốc và mối quan hệ giữa sếp - nhân viên hiện tại. Bản thân tôi cho rằng Tào Tháo là một vị sếp tốt. Một trong những nguyên nhân tương đối quan trọng đó là vì Tào Tháo sẵn sàng cho thuộc hạ của mình ăn ngon mặc đẹp và không ngần ngại ban lợi cho thuộc hạ.
Trong trận Quan Độ, Tào Tháo đã áp dụng mưu lược của Hứa Du, đích thân tấn công kho lương của Viên Thiệu chỉ bằng 5000 kỵ binh, khiến quân của Viên Thiệu hỗn loạn. Viên Thiệu vội vàng bỏ trốn qua sông, bỏ lại một lượng lớn vàng bạc châu báu, chỉ cầm theo vài tên tùy tùng rồi rời đi, những châu báu vàng bạc này về sau tự nhiên rơi vào tay Tào Tháo.
Trước những bảo vật này, Tào Tháo vung tay thưởng toàn bộ chiến lợi phẩm cho quân sĩ. Cần nhắc thêm một điều ở đây là chiến tranh rất tốn kém, hơn nữa Tào Tháo lúc đó cũng không giàu có. Đây chính là điểm cao minh của Tào Tháo.
Những vị sếp thực sự khôn ngoan thường có xu hướng thu phục lòng người. Cái gọi là thu phục lòng người, thực ra là biết cách đáp ứng nhu cầu của người dưới quyền, có thể đọc và nhìn thấu được mong muốn của họ.
Trên thực tế, sức hấp dẫn lớn nhất của công việc đối với hầu hết mọi người đều là kiếm tiền để nuối chính mình và nuôi gia đình. Nếu bạn không cho tôi đủ tiền thì tôi chỉ có thể nói lời chia tay, đơn giản vậy thôi. Cùng đạo lý này, những vị sếp chịu chi cho nhân viên của mình thường dễ giữ chân người hơn. Rõ ràng, so với những lời hứa hẹn không biết bao giờ mới thành hiện thực thì việc đáp ứng nguyện vọng thiết thực nhất là lương lậu, thu nhập sẽ thực tế hơn nhiều.
Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng nghĩ xa, nghĩ rộng được như vậy. Một vài trường hợp có liên quan đến hiệu quả và chi phí hoạt động của công ty. Một số khác không loại trừ khả năng bản chất công ty vốn keo kiệt, thích đem tình cảm ra để nói chuyện, luôn miệng vẽ ra những bức tranh về lý tưởng, tương lai.
Tôi nghĩ, các công ty tôn vinh các giá trị tinh thần và đề cao triển vọng phát triển của nhân viên không có gì sai, nhưng sẽ rất khó giữ chân nhân viên nếu họ tiền không đủ tiêu, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Một công ty luôn bàn những thương vụ kinh doanh bạc tỷ nhưng nhân viên muốn tăng lương thêm 1-2 triệu thôi cũng từ chối, cuối năm chỉ cho bạn khoản tiền thưởng chẳng mấy hấp dẫn thì xin lỗi nhé, công ty này tôi không ở lại được.
Ngày nay, dù là thành thị hay nông thôn, chi phí sinh hoạt đều ở mức từ cao đến rất cao. Chỉ riêng việc mua nhà đã đủ khiến một người đàn ông "vai năm tấc rộng, thân mười thước cao" không ngẩng đầu lên nổi.
Vì vậy, nếu tiền nhận về không đủ nhiều, người trẻ sẽ nhảy việc , đây là điều hết sức bình thường.
Có người nói, tôi nghỉ việc vì 2 lý do:
1. Sếp chỉ nói miệng, tôi nghe không nổi;
2. Đồng nghiệp chỉ việc đổ lỗi; tôi gánh không nổi;
Điều đầu tiên thì chúng ta đã nói ở trên. Còn điều thứ 2 thì chúng ta sẽ nói ngay đây.
Lý do khiến nhiều người chấp nhận nghỉ việc là vì họ cảm thấy không hạnh phúc khi tiếp tục ở lại, người khiến họ không hài lòng có thể là sếp, là đồng nghiệp, thậm chí là khách hàng. Sếp thì khó tính, khó hầu hạ, đồng nghiệp thì lắm chiêu trò, khó hòa đồng, chốn công sở thôi mà mưu mô, tính kế không kém gì chốn hậu cung.
Ví dụ, một số vị sếp đối xử với cấp dưới của mình theo tiêu chuẩn kép, thiếu công bằng một cách rõ ràng. Cùng là một sai lầm, người này bị mắng xối xả, người kia chỉ bị nhắc nhẹ nhàng đôi ba câu, bạn nói có bực mình hay không?
Tuy rằng không công việc nào là không có khó khăn và những điều thu thiệt, nhưng thái độ của nhiều người khá rõ ràng, tôi không muốn chịu phần thua thiệt này, tôi muốn đi. Đặc biệt là người trẻ - những người tự do, tự tại và có chính kiến hơn.
Có người cho rằng người trẻ ngày nay quá hiếu thắng, tự cao tự đại, nói không nghe, mắng cũng không chịu. Thực ra, tôi không nghĩ vậy, tôi nghĩ sự tùy tiện của người trẻ trong việc nghỉ việc, nhảy việc là có thể thấu hiểu được.
Trước hết, thủ tục xin nghỉ việc ngày nay không phức tạp, thứ hai là đa phần công việc hiện tại không đến mức quá hoàn hảo, bỏ việc cũng không đáng tiếc; thứ ba, điều kiện gia đình của nhiều người trẻ bây giờ rất tốt, ít nhất là không đến mức không đi làm sẽ chết đói.
Có thể nói, họ có những điều kiện và trình độ nhất định để hành động liều lĩnh. Nói cách khác, nếu bạn trẻ hơn vài tuổi và có một ít tiền trong túi, có khi bạn cũng sẽ làm như vậy.
Điều này đặt ra cho các doanh nghiệp ngày nay những yêu cầu cao hơn trong việc quản lý nhân viên. Mô hình quản lý trước đây không còn có thể áp dụng được nữa. Bất kỳ mô hình nào cũng có thể trở nên lỗi thời, và bạn buộc phải có những chính sách điều chỉnh kịp thời để có thể bắt kịp thời đại.
Ngoài việc thiếu tiền và làm việc thấy không vui, cũng có một lý do thường gặp khác khiến nhiều người trẻ muốn trốn khỏi nơi làm việc. Có thể tóm gọn nó trong năm chữ: muốn thay đổi cách sống.
Ví dụ, một số người cảm thấy công việc hiện tại quá nhàm chán và mệt mỏi; nói cách khác, họ không học được thêm điều gì, không thu được lợi ích gì...
Tôi biết một lập trình viên cấp cao với mức lương thưởng cao ngất ngưởng hơn 500 triệu/ năm. Anh chàng được công ty coi trọng và đánh giá cao, nhưng anh ấy đã xin nghỉ việc sau một thời gian ngắn đi làm.
Anh ấy đã đi đâu sau khi rời đi?
Nhiều người nghĩ rằng anh ấy nhảy qua công ty khác lớn hơn, nhưng không phải. Anh ấy đi làm... shipper. Nghe thì khó tin song biết được lý do, mọi người lại phải gật gù. Anh chàng giải thích do công việc trước đây quá căng thẳng, ngày nào cũng thức khuya, ít vận động nên sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Chính bởi vậy, anh ấy muốn thay đổi cách sống, trải nghiệm một cuộc sống khác.
Cách đây vài ngày tôi gặp lại một người bạn cũ. Trước khi làm về truyền thông, cô ấy từng là một y tế. Sau 3 năm công tác tại một bệnh viện, cô ấy dự định đi du lịch để mở mang tầm nhìn và thay đổi một lối sống khác. Ước mơ của cô ấy không chỉ là trở thành một biên tập viên bình thường mà cô ấy hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành một nhà biên kịch giỏi, được đi du học, được thấy nhiều điều khác biệt hơn.
Thực sự, động lực nghỉ việc hiện tại đã được nâng lên một tầng cao mới. Và tôi nghĩ đó là một điều tốt. Thứ nhất, nó cho thấy rằng mọi người đang ngày càng chấp nhận sống thật, sống đúng với mong muốn của bản thân hơn. Thứ hai, nó cho thấy thời đại mà chúng ta đang sống cũng đang trở nên tốt hơn, luôn có vô vàn những điều kiện hỗ trợ cho "hành vi bộc phát" của chúng ta.
Nếu mọi người có thể sống theo cách mình muốn và có khả năng làm theo ý mình thì đây thực sự là một may mắn lớn trong cuộc đời. Nhìn chung, có những việc không thể nhìn từ một góc độ, bởi như vậy sẽ phiến diện và thiếu khách quan. Câu chuyện người trẻ nghỉ việc hàng loạt hiện tại chính là ví dụ điển hình.
Ảnh minh họa: Paco Yao