Bà Weng năm nay khoảng 60 tuổi, sống tại Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc. Vốn có tạng người nhỏ nhắn, khuôn mặt trẻ lâu nên ít người xung quanh đoán được tuổi thật của bà. Những ai mới gặp lần đầu thường ngỡ rằng bà Weng chỉ ngoài 40 tuổi.
Bà cũng giữ được thân hình săn chắc, vòng một vẫn đầy đặn và làn da ít nếp nhăn hơn nhiều so với người cùng tuổi. Sức khỏe của bà cũng rất tốt, hàng ngày đều đi bộ ra chợ từ sáng sớm để tranh thủ tập thể dục. Cũng chính vì vậy mà khi nghe tin bà Weng bị ung thư vú đã di căn, phải cắt bỏ cả hai bên ngực ai nấy đều rất bất ngờ.
Bản thân bà Wang khi nhận kết quả chẩn đoán cũng hốt hoảng vô cùng. Bà đã yêu cầu bệnh viện lấy mẫu sinh thiết lại tới 2 lần để tránh nhầm lẫn. Lý do là bà cho rằng mình đã mãn kinh từ lâu, không thể mắc căn bệnh ung thư liên quan tới nội tiết tố nữ nghiêm trọng như vậy. Quan trọng nhất, cho tới tận lúc phát hiện bệnh vẫn không có dấu hiệu đau tức hay khó chịu nào rõ ràng. Chỉ có 2 bất thường ở da thì đã xuất hiện từ lâu nhưng bà Weng luôn xem nhẹ.
Cụ thể, khoảng 8 tháng trước bà Weng phát hiện vùng da ngực của mình xuất hiện vài mảng da sần sùi giống như vỏ cam. Lúc đầu bà cho là dị ứng thời tiết nhưng mãi không khỏi nên mặc định da của mình chảy xệ, xấu đi theo tuổi tác. Đến thời điểm gần đây, những vùng da này sưng tấy, xuất hiện thêm nhiều vùng da mẩn đỏ, không đau nhưng rất ngứa. Bà Weng lập tức cho rằng đó là bệnh chàm nên ra hiệu thuốc mua nhiều loại thuốc da liễu về bôi.
Sau một thời gian, những vết lạ trên ngực bà Wang chẳng những không khỏi mà còn xuất hiện thêm triệu chứng tiết dịch ở núm vú. Vùng ngực tuy không đau nhưng nách bà lại sưng lên và đau âm ỉ, hay sốt nhẹ, cảm thấy mệt mỏi và lười vận động hẳn đi. Con dâu bà biết chuyện liền vội vã cùng chồng đưa bà tới Bệnh viện Yuyao (Chiết Giang, Trung Quốc).
Tại đây, bà Weng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú hai bên di căn hạch và phải cắt bỏ cả hai bên vú. Tức là phương pháp cắt bỏ toàn bộ nhu mô tuyến vú, quầng và núm vú, chỉ để lại cơ và da thành ngực. Dù đã có tuổi nhưng quyết định này vẫn rất khó khăn với bà Weng. Ngay cả sau phẫu thuật, bà vẫn phải tiếp tục xạ trị và điều trị khối u di căn.
Bác sĩ nhắc nhở những dấu hiệu ngoài da cảnh báo bệnh ung thư vú
Tiến sĩ Cai Dingjun, Phó trưởng khoa Phẫu thuật vú của Bệnh viện Yuyao cho biết, rất nhiều người giống như bà Weng, sai lầm khi cho rằng phụ nữ mãn kinh thì không bị ung thư vú nữa.
“Trên thực tế, phụ nữ vẫn có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú sau khi mãn kinh. Đặc biệt, bệnh nhân nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc ung thư vú vì mãn kinh muộn (sau 55 tuổi). Điều này cũng tương tự ở nữ giới dậy thì sớm, tức là trước 12 tuổi. Nguyên nhân là do những phụ nữ này chịu tác động lâu dài của hormone estrogen và progesterone. Chưa kể, nồng độ 2 hormone trên ngoại nội sinh còn bị tác động bởi ngoại sinh từ chế độ ăn uống, mỹ phẩm, y tế… Cùng nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú khác đến từ lối sống hàng ngày” - Tiến sĩ Cai Dingjun giải thích.
Ông cũng chia sẻ, những trường hợp bệnh nhân ung thư vú phát hiện bệnh muộn do bỏ lỡ các dấu hiệu bất thường ngoài da giống như bà Weng không hề hiếm. Ông nhắc nhở rằng: “Bệnh ung thư vú có thể gây viêm và thay đổi các tế bào da, từ đó dẫn đến sự thay đổi cấu trúc da vùng vú. Phổ biến như da bị dày lên, sờ vào cứng hơn, sần sùi như vỏ cam và có màu sắc khác biệt các vùng da khác của vú. Hoặc là có vảy quanh núm vú và quầng vú, nhìn giống da bị cháy nắng hoặc khô nứt bất thường.
Cũng nhiều chị em có các nốt giống như lúm đồng tiền trên vú hay bị ngứa da, mẩn đỏ ở 1 bên hoặc cả 2 bên vú cùng lúc. Các triệu chứng này có thể đi cùng cảm giác sưng tấy, đau hoặc hoàn toàn không. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh về da, nên tốt nhất hãy sớm nhờ đến sự hỗ trợ từ bác sĩ chuyên môn”.
Bên cạnh các bất thường ngoài da, Tiến sĩ Cai Dingjun nhấn mạnh chị em tuyệt đối không bỏ qua các triệu chứng ung thư vú phổ biến khác như:
- Ngực to bất thường, không cân xứng (thường to ở một bên vú).
- Đau tức ngực không rõ nguyên nhân.
- Vùng ngực, nách bị sưng hoặc nổi hạch.
- Núm vú bị tụt, chảy dịch bất thường
- Một số người không đau vú nhưng lại đau lưng, vai, gáy kéo dài.
- Khi bệnh nặng, sẽ đi kèm với các triệu chứng toàn thân khác như: sụt cân, mệt mỏi, sốt dai dẳng…
Theo Tiến sĩ Cai Dingjun, việc tự khám vú thường xuyên là chìa khóa vàng giúp phát hiện và điều trị kịp thời ung thư vú. Ngoài quan sát bằng mắt, hãy thường xuyên tự khám để phát hiện khối u vú với 4 bước sau:
- Nằm ngửa, thư giãn và dùng tay phải để sờ nắn vú trái, ngược lại dùng tai trái nắn vú phải.
- Thao tác nhẹ nhàng, chậm rãi bằng các đầu ngón tay chuyển động vòng tròn vừa vặn 1/4 mỗi bên vú cho đến hết toàn bộ vú. Nhớ luôn giữ cho các ngón tay thẳng và khép lại với nhau.
- Tiếp tục lặp lại thao tác trên với tư thế đứng thẳng hoặc ngồi thả lỏng.
- Giơ cánh tay lên cao và dùng 3 ngón tay nhấn từ nhẹ đến trung bình quanh vùng dưới cánh tay, đặc biệt là hốc nách xem có gì bất thường không.
Nếu không muốn khám theo vòng tròn mỗi 1/4 ở trên, có thể chọn vị trí bắt đầu ở núm vú, di chuyển theo vòng tròn lớn hơn cho đến khi chạm đến mép ngoài của vú. Hoặc cũng có thể di chuyển ngón tay lên xuống theo chiều dọc hay theo hàng ngang. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khi chọn trình tự khám thì phải áp dụng thống nhất. Không chỉ với các bên vú, các tư thế mà còn trong mỗi lần thực hiện để đạt kết quả tốt nhất.
Nguồn và ảnh: NetEase Health, Sohu, Woman.tvbs