Khởi động tuần mới với phiên giảm hơn 20 điểm, tưởng chừng tuần 18 – 22/3 của VN-Index sẽ không khả quan. Tâm lý lo ngại có phần gia tăng khi khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng sau khi 2 quỹ hoàn thành cơ cấu danh mục quý I/2024, tuy nhiên diễn biến những phiên tiếp theo đã hoàn toàn trái ngược với sự lo ngại.
Đà giảm của chỉ số đã được kìm hãm trong phiên 19/3 và sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp VN-Index tăng liên tiếp 3 phiên cuối tuần, vượt đỉnh cũ 1.276 và chốt tuần tại 1.281,98, tăng 18,02 điểm, tương đương 1,43% so với tuần trước.
Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường đạt 33.718 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân phiên ở mức 30.629 tỷ đồng, tăng 14,9% so với tuần trước và cao hơn 26,6% so với trung bình 5 tuần gần đây.
Theo quan sát, VCB, TCB và BID đã dẫn đầu 3 vị tri ảnh hưởng tích cực đến VN-Index với mức tác động lần lượt 3,32 điểm, 3,23 điểm và 2,85 điểm đóng góp hơn một nửa mức tăng của VN-Index trong tuần. Top 10 mã có tác động tích cực còn có các đại diện ngành ngân hàng khác như MBB, CTG, VIB và ACB.
Bên chiều giảm điểm, GVR và GAS là 2 mã ảnh hưởng lớn nhất với mức điểm tác động giảm lần lượt là 1,23 điểm và 1 điểm.
Trong tuần qua, NĐT nước ngoài bán ròng 3.180 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng hơn 1.900 tỷ đồng.
Trong đó, chứng chỉ quỹ FUEVFVND của VNDiamond bị khối ngoại rút ròng mạnh nhất với giá trị hơn 1.539 tỷ đồng, bỏ xa mã bị bán mạnh thứ hai là VNM với giá trị 660 tỷ đồng.
Tính từ đầu tháng 3 đến nay, cổ phiếu của Vinamilk đã bị khối ngoại bán ròng hơn 1.641 tỷ đồng qua đó nâng tổng giá trị bán ròng luỹ kế từ đầu năm 2024 lên hơn 3.290 tỷ, lớn nhất thị trường. Kể từ khi đảo chiều tháng 10 năm ngoái, khối ngoại đã bán ròng 5 tháng liên tục trên cổ phiếu này.
Cùng chiều, khối ngoại cũng rút ròng nhiều cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn như VHM (490 tỷ đồng), HPG (333 tỷ đồng), VPB (274 tỷ đồng), MSN (249 tỷ đồng), FPT (243 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại cổ phiếu KBC dẫn đầu danh mục Top 10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 289 tỷ đồng trong tuần.
Đứng thứ hai trong danh mục giải ngân là GEX với 243 tỷ đồng. Trong tuần qua, cổ phiếu của Tập đoàn Gelex ghi nhận khối lượng khớp lệnh kỷ lục hơn 72 triệu đơn vị trong phiên 22/3.
Tương tự, NĐT ngoại cũng mua ròng STB (240 tỷ đồng), PDR (174 tỷ đồng), MWG (125 tỷ đồng), VND (119 tỷ đồng), PLX (104 tỷ đồng). Danh mục Top10 gom ròng còn có sự góp mặt của FRT, TCB, VCB với quy mô dưới 100 tỷ đồng.
Ngược lại, trên HNX, NĐT nước ngoài mua ròng hơn 94 tỷ đồng, tương đương với khối lượng hơn 1,6 triệu đơn vị.
Trong đó, khối ngoại bán ròng hơn 15,9 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. Theo sau là DTD (14,1 tỷ đồng) và những giao dịch tương tự ở các mã như NRC (8,8 tỷ đồng), VGS (8,7 tỷ đồng), TA9 (5 tỷ đồng), …
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO - Công ty Cổ phần dẫn đầu bên mua với giá trị gần 61,8 tỷ đồng. Kế tiếp là CEO (29,1 tỷ đồng), SHS (24,6 tỷ đồng), HUT (11,2 tỷ đồng), TNG (7,9 tỷ đồng), …
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 4/5 phiên với gần 23 tỷ đồng, nhưng mua ròng với khối lượng gần 0,2 triệu cổ phiếu.
Trong đó, nhà đầu tư ngoại rút ròng hơn 12,3 tỷ đồng ở cổ phiếu BSR của Công ty Cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn. Cùng chiều, cổ phiếu ACV bị bán ròng với hơn 9,8 tỷ đồng. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như GDA, QNS, NTC với giá trị 4 - 9 tỷ đồng.
Ở phía đối diện, khối ngoại mua ròng 6,1 tỷ đồng ở cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của DDV, VGT, KCB, SBS, ... với giá trị thấp hơn.