Một miếng thịt gà không cần giết mổ, không nuôi gia cầm, thậm chí không có nông trại nào đứng sau - vừa được các nhà khoa học Nhật Bản nuôi cấy thành công trong phòng thí nghiệm. Điều bất ngờ là, bí quyết để tạo nên bước ngoặt ấy lại đến từ… lõi lọc nước.
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Tokyo vừa công bố một thành tựu chưa từng có trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm: tạo ra miếng thịt nhân tạo 3D lớn nhất từ trước đến nay, với kích thước 7cm x 4,05cm x 2,25cm - gần tương đương một lát thịt gà thực thụ.
Từ chiếc lõi lọc đến miếng thịt nhân tạo "cắn ngập răng"

Miếng thịt gà nhân tạo lớn nhất được tạo ra bởi nhóm nghiên cứu Nhật Bản (Ảnh: Shoji Takeuchi).
Tưởng chừng như không liên quan, lõi lọc nước - vật dụng quen thuộc trong mỗi gia đình - lại là chìa khóa tạo nên đột phá này. Bên trong lõi lọc là các vi ống, vốn được thiết kế để cho phép nước thẩm thấu qua, lọc sạch tạp chất.
Nhóm khoa học Nhật đã tận dụng cấu trúc đặc biệt này để tạo thành mạng lưới mạch máu nhân tạo, cho phép truyền dinh dưỡng tới từng tế bào thịt trong suốt quá trình nuôi cấy. Nhờ đó, thịt có thể phát triển theo khối thay vì chỉ là những sợi nhỏ hoặc lát mỏng như trước đây.
Kỹ thuật này không chỉ giúp thịt tăng kích thước mà còn mang lại cảm giác "cắn ngập răng". Yếu tố then chốt để thuyết phục người tiêu dùng rằng họ đang ăn thịt thật.
GS Mark Post, chuyên gia người Hà Lan - người từng tạo ra miếng thịt bò nhân tạo đầu tiên năm 2013, đã gọi công trình này là một thành tựu kỹ thuật phi thường. Ông nhấn mạnh rằng, sau hơn một thập kỷ phát triển, công nghệ thịt nhân tạo đã đến thời điểm chín muồi để bước ra thị trường đại chúng.
Thay đổi cuộc chơi sau 25 năm bế tắc
Trong hơn 25 năm qua, giới khoa học chủ yếu nuôi thịt nhân tạo dựa trên công nghệ 1D (sợi đơn) và 2D (lát mỏng dưới 1mm).
Các sợi hoặc lát thịt này sau đó được ép lại để tạo thành một "miếng thịt", nhưng cấu trúc bên trong vẫn thiếu độ dày, dai và độ đàn hồi của thịt thật.
Cách làm đó không chỉ tốn kém mà còn kém hấp dẫn về mặt cảm quan, khiến người tiêu dùng khó chấp nhận.
Ngược lại, cấu trúc 3D do nhóm nghiên cứu này tạo ra gần như mô phỏng hoàn hảo mô thịt trong tự nhiên. Đây cũng là bước tiến cần thiết để thịt nhân tạo có thể thay thế thịt chăn nuôi công nghiệp trong tương lai.
Nếu như trước đây, thịt nhân tạo chỉ được nuôi cấy thành công ở quy mô phòng thí nghiệm, với giá thành hàng triệu USD/kg, thì nay, mọi thứ đang thay đổi chóng mặt.
Theo Mark Post, sản lượng thịt nhân tạo toàn cầu đang tăng gấp đôi mỗi 13 tháng, trong khi giá thành trung bình giảm một nửa sau mỗi 8 tháng.
Cột mốc của nhóm nghiên cứu này không chỉ là miếng thịt to nhất, mà còn là cánh cửa mở ra kỳ vọng: đưa thịt nhân tạo đến gần hơn với bàn ăn của mọi người, không còn là món "xa xỉ" chỉ xuất hiện trong phòng lab hay các nhà hàng thử nghiệm.
Cơ hội cho ngành thực phẩm bền vững
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực và mối lo về an toàn thực phẩm, thịt nhân tạo được kỳ vọng là giải pháp thay thế bền vững cho chăn nuôi truyền thống. Ngành đang chiếm hơn 14% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.
Theo các chuyên gia, sản xuất thịt nhân tạo có thể giảm đến 90% lượng khí thải CO₂, 99% đất canh tác và 96% lượng nước sử dụng so với chăn nuôi.
Tuy vậy, thị trường thịt nhân tạo vẫn chưa dễ dàng. Nhiều startup dù đặt mục tiêu sản xuất hàng tấn mỗi năm nhưng thực tế chỉ bán được vài trăm gam mỗi tháng, do rào cản về giá, khẩu vị và tâm lý người tiêu dùng.
Ngoài ra, một số công ty bị chỉ trích vì sử dụng tế bào gốc bất ổn, thậm chí có khả năng gây đột biến nếu không kiểm soát chặt chẽ - làm dấy lên câu hỏi về an toàn sinh học và đạo đức.
Cần thêm thời gian để kiểm chứng, nhưng một điều chắc chắn: đột phá từ lõi lọc nước của người Nhật đã thay đổi cuộc chơi, chứng minh rằng những điều lớn lao đôi khi lại bắt đầu từ những thứ rất đỗi quen thuộc.