Ngày 22.4, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu “ống nhựa Bình Minh” giữa nguyên đơn Công ty CP nhựa Bình Minh và bị đơn là Công ty CP nhựa Bình Minh Việt.

So sánh sản phẩm ống nhựa Bình Minh Việt (2 ống nhựa bên trên) và sản phẩm ống nhựa Bình Minh
ẢNH: NGUYỄN TÚ
Theo bản án sơ thẩm và đơn khởi kiện, Công ty CP nhựa Bình Minh đã đăng ký nhãn hiệu "BÌNH MINH", "NHỰA BÌNH MINH", "ỐNG NHỰA BÌNH MINH" tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Năm 2023, Công ty CP nhựa Bình Minh phát hiện Công ty CP nhựa Bình Minh Việt sử dụng tên doanh nghiệp và các sản phẩm ống nhựa PVC gắn dấu hiệu "BÌNH MINH VIỆT", “NHỰA BÌNH MINH VIỆT” gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Công ty CP nhựa Bình Minh, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của công ty đã đăng ký.
Khi TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm, Công ty CP nhựa Bình Minh cung cấp thêm chứng cứ thể hiện Công ty CP nhựa Bình Minh Việt vi phạm, chẳng hạn: Đội quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An) xử phạt hành chính đối với cửa hàng bán hàng hóa của Công ty nhựa Bình Minh Việt chứa dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với Công ty CP nhựa Bình Minh.
Đồng thời, đội quản lý thị trường này cũng có công văn gửi đến Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) trưng cầu giám định yếu tố xâm phạm. Kết luận giám định sở hữu công nghiệp khẳng định dấu hiệu "NHUA BINH MINH" gắn trên sản phẩm ống nhựa PVC do Công ty CP nhựa Bình Minh Việt sản xuất là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của Công ty CP nhựa Bình Minh đang được bảo hộ.
Ngược lại, Công ty CP nhựa Bình Minh Việt cho rằng tên không trùng và không gây nhầm lẫn. Điều này thể hiện rõ ràng. Cụ thể, dễ dàng phân biệt và nhận biết, khi: tên BÌNH MINH gồm có 2 tiếng, 8 chữ cái, còn BÌNH MINH VIỆT gồm 3 tiếng, 12 chữ cái.
Xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM nhận định, về quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu "Bình Minh", căn cứ vào các giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ, đủ căn cứ xác định Công ty CP nhựa Bình Minh là chủ sở hữu được đăng ký bảo hộ hợp pháp đối với nhãn hiệu "ống nhựa Bình Minh”.
Tuy nhiên, tòa cũng nhận định, nguyên đơn được bảo hộ hợp pháp đối với nhãn hiệu "Bình Minh", không được bảo hộ cụm từ "nhựa Bình Minh Việt", nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn loại bỏ toàn bộ các dấu hiệu "Bình Minh" là không có căn cứ.
Đối với các kết luận giám định mà nguyên đơn cung cấp, theo tòa chỉ mang giá trị tham khảo, không phải là chứng cứ để giải quyết vụ án. Từ đó, tòa không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Sau phiên tòa sơ thẩm, cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo.