Chứng khoán

Người nhà lãnh đạo Hòa Phát không mua hết số cổ phiếu HPG đã đăng ký

Tòa nhà Tập đoàn Hòa Phát trên phố Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Ông Nguyễn Hữu Mạnh, anh trai Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát Nguyễn Thị Thảo Nguyên, vừa thông báo đã mua 172.000 cổ phiếu HPG trong thời gian từ 9/6 đến 8/7 theo phương thức khớp lệnh.

Đầu tháng 6, ông Mạnh đăng ký mua 300.000 cổ phiếu HPG. Như vậy, kết quả giao dịch thực tế chỉ bằng 57% số dự kiến. Tính theo thị giá của HPG gần đây, ông Mạnh đã phải chi khoảng 3,8 tỷ đồng để mua vào. Nếu mua hết như đăng ký, ông Mạnh phải bỏ ra khoảng 6,7 tỷ.

Anh trai của Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết lý do ông không hoàn tất giao dịch là “chưa thu xếp được kế hoạch tài chính”.

Giá cổ phiếu HPG hiện nay đang ở vùng tương đương với đầu năm 2021.

Trong các ngày từ 7/7 đến 11/7, ông Nguyễn Ngọc Quang, Thành viên HĐQT của Hòa Phát, đã bán 5 triệu cổ phiếu HPG theo phương thức thỏa thuận cho con gái Nguyễn Hà My. Theo dữ liệu giao dịch vào hai ngày 7/7 và 11/7, có đúng 5 triệu đơn vị HPG được mua bán thỏa thuận với tổng giá trị 102 tỷ đồng.

Sau khi bán bớt cổ phiếu cho con gái, ông Nguyễn Ngọc Quang còn sở hữu 103,79 triệu đơn vị HPG, tương đương tỷ lệ 1,78%. Tính theo thị giá hiện nay, số cổ phiếu HPG của ông Quang có vốn hóa hơn 2.300 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá HPG đã sụt 36,5%. Biểu đồ bên dưới cho thấy các cổ phiếu khác trong ngành thép như HSG, NKG, TVN và POM còn lao dốc mạnh hơn HPG.

Các cổ phiếu lớn ngành thép đều lao dốc trong 6 tháng đầu năm 2022.

Năm 2021, HPG là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất với giá trị 18.925 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến hết phiên 12/7, HPG tiếp tục dẫn đầu danh sách rút vốn ròng của nhà đầu tư nước ngoài, đứng trên các blue chip khác như MSN của Masan hay VIC của Vingroup.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm