Chứng khoán

Taseco Airs (AST): Hồi phục tích cực hậu COVID, liệu có tăng trưởng dương sau 8 quý lỗ liên tiếp?

CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs, mã AST) là doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ sân bay lớn nhất Việt Nam với hơn 100 cửa hàng đặt tại các sân bay lớn, chủ yếu ở sân bay Nội Bài và Đà Nẵng. Ngoài ra, công ty còn sở hữu khách sạn 4 sao tại bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng.

Tuy nhiên, cũng vì hoạt động kinh doanh gắn liền với dịch vụ hàng không và du lịch nên trong hai năm đại dịch khi hai ngành này gần như bị "đóng băng", kết quả kinh doanh của Taseco Airs đã bị ảnh hưởng nặng nề, lợi nhuận tăng trưởng âm 8 quý liên tiếp, bắt đầu từ quý 2/2020. Kéo theo đó, cổ phiếu AST của Taseco Airs cũng đang thuộc diện kiểm soát.

2 năm hoạt động cầm chừng và 8 quý lỗ liên tiếp

CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco Nội Bài (tiền thân của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco ngày nay) được thành lập vào năm 2015 để vận hành hoạt động kinh doanh dịch vụ khu vực Nội Bài và các sân bay lân cận. Trong năm đầu tiên thành lập công ty ghi nhận doanh thu chưa đầy 40 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế (LNST) gần 1,1 tỷ đồng. Nhưng chỉ một năm sau đó doanh thu của công ty đã tăng gần 8 lần và LNST tăng gần 40 lần.

Trong các năm 2017-2019, doanh thu và lợi nhuận của Taseco Airs tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt năm 2019 doanh thu của công ty đã vượt 1.140 tỷ đồng và lãi ròng hơn 212 tỷ đồng.

Taseco Airs (AST): Hồi phục tích cực hậu COVID, liệu có tăng trưởng dương sau 8 quý lỗ liên tiếp? - Ảnh 1.

Taseco Airs đã có 8 quý lỗ liên tiếp bắt đầu từ quý 2/2020

Tuy nhiên, bước sang hai năm 2020-2021, khi ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Taseco Airs cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng do hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty liên quan trực tiếp đến ngành hàng không và du lịch.

Theo đó, các cửa hàng dịch vụ tại sân bay của công ty đều phải hoạt động cầm chừng trong suốt thời gian đại dịch, đặc biệt là vào quý 3/2021, gần như tất cả các cửa hàng phải tạm thời đóng cửa. Kéo theo đó, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh. Taseco Airs bắt đầu lỗ từ quý 2/2020 với mức lỗ ròng 180 tỷ đồng và dòng tiền âm 170 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2021, lỗ lũy kế tính đến quý 1/2022 là 98 tỷ đồng.

Dù vậy, công ty vẫn duy trì bảng cân đối kế toán lành mạnh, với tổng tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn là 148 tỷ đồng tại thời điểm quý 1/2022 và tiền mặt ròng là 92 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 0,14, với tổng số tiền vay là 56 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh của công ty chỉ bắt đầu có những chuyển biến tích cực từ cuối tháng 3/2022 khi thị trường du lịch được mở cửa hoàn toàn và hoạt động của ngành hàng không sôi động trở lại.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng số chuyến bay của các hãng hàng không trong nước đã đạt mức trước COVID là 25.000 chuyến/tháng, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của các đường bay nội địa trong khi các chuyến bay quốc tế vẫn chưa phục hồi. Ước tính lượng hành khách nội địa trong tháng 5 đã đạt 125% mức của năm 2019 và con số này trong nửa đầu năm 2022 đạt 38,9 triệu hành khách, tăng 52,6% so với cùng kỳ.

Nhờ đó, đến đầu tháng 7, tất cả các cửa hàng trong nước của Taseco Airs đều đã hoạt động trở lại, trong khi một số cửa hàng ở các nhà ga quốc tế vẫn đóng cửa (chủ yếu ở sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng, nơi phụ thuộc nhiều vào hành khách Trung Quốc và Nga).

Trước đó, trong thời gian đại dịch, Taseco Airs vẫn duy trì kế hoạch mở rộng cửa hàng. Số lượng cửa hàng của công ty đã tăng từ 92 cửa hàng vào năm 2019 lên 105 cửa hàng vào năm 2021, bổ sung thêm hai phòng VIP Lounge mới tại sân bay Nội Bài và Đà Nẵng, 3 cửa hàng miễn thuế mới ở sân bay Tân Sơn Nhất và Phú Quốc, 4 cửa hàng lưu niệm, và 6 cửa hàng thức ăn nhanh. Các cửa hàng mới mở tập trung ở sân bay Tân Sơn Nhất và Phú Quốc, nơi Taseco Airs đang tìm cách tăng cường sự hiện diện và giành thị phần vào thời điểm các đối thủ cạnh tranh gặp khó khăn về tài chính.

Đầu tháng 7, Taseco Airs cũng vừa mua lại 51% cổ phần của CTCP Dịch vụ Hà Linh. Công ty này đang quản lý 10 cửa hàng tại Sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Phú Quốc, và các cửa hàng này sẽ được hợp nhất vào AST trong 6 tháng cuối năm 2022.

Ngoài việc mở lại các cửa hàng, các nhà máy phục vụ suất ăn của Taseco Airs như nhà máy VinaCS tại sân bay Nội Bài đã hoạt động trở lại, với hiệu suất hoạt động hiện tại là 80% công suất thiết kế (12.000 suất ăn/ngày) và đã có lãi trở lại. Tuy nhiên, nhà máy VinaCS tại Cam Ranh vẫn đóng cửa do lượng hành khách quốc tế, đặc biệt là khách Trung Quốc và Nga phục hồi chậm.

Trong khi đó, khách sạn A la carte Đà Nẵng đang hoạt động với công suất từ 50% - 60% và có thể đạt 100% trong các ngày cuối tuần và ngày lễ cũng đóng góp vào tăng trưởng doanh thu của Taseco Airs.

Taseco Airs (AST): Hồi phục tích cực hậu COVID, liệu có tăng trưởng dương sau 8 quý lỗ liên tiếp? - Ảnh 2.

Nhờ đó, sau một thời gian dài thua lỗ, Taseco Airs đã có lãi trở lại vào tháng 5/2022. Theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của Taseco sẽ đạt khoảng 10 tỷ đồng trong quý 2/2022 và khoản lỗ tính từ đầu năm có khả năng giảm xuống 10 tỷ đồng. SSI Research cũng cho rằng, kế hoạch LNTT năm 2022 đặt ra là 23,5 tỷ đồng (sau hai năm thua lỗ) là hoàn toàn khả thi.

Lợi nhuận sẽ vượt mức trước đại dịch vào năm 2024?

Tuy thị trường hàng không và du lịch trong nước phục hồi khá tích cực song thị trường quốc tế vẫn phục hồi chậm. Dù Việt Nam đã mở lại hoàn toàn biên giới cho khách du lịch quốc tế kể từ ngày 15/3, với 24 quốc gia được miễn thị thực. Tuy nhiên, chặng đường phục hồi sẽ cần nhiều thời gian do chính sách hạn chế biên giới không nhất quán giữa các quốc gia, đặc biệt là ở Trung Quốc và Nga.

Trong nửa đầu năm 2022, sản lượng hành khách quốc tế đạt 1,8 triệu lượt khách và Cục Hàng không Việt Nam ước tính con số cả năm sẽ đạt 5 triệu lượt (tương đương đạt 12% kết quả năm 2019, và gấp 9,5 lần so với kết quả năm 2021). SSI Research dự kiến thị trường sẽ phải đợi đến năm 2024 để lượng hành khách toàn cầu phục hồi về mức trước COVID.

Taseco Airs (AST): Hồi phục tích cực hậu COVID, liệu có tăng trưởng dương sau 8 quý lỗ liên tiếp? - Ảnh 3.

Dự báo lượt hành khách hàng không - Nguồn: SSI Research

SSI Research đánh giá việc liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh trong suốt thời kì xảy ra đại dịch COVID-19 để tăng cường sự hiện diện và giành thị phần, Taseco Airs hiện có vị thế tốt để tăng trưởng trong bối cảnh thị trường đang phục hồi. Theo đó, LNTT của công ty trong năm 2023 có thể đạt 224 tỷ đồng, tăng 486% so với năm 2022 nhưng vẫn giảm 15% so với năm 2019, và trong năm 2024 khi thị trường hồi phục hoàn toàn, LNTT của Taseco Airs có khả năng đạt 322 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2023 và tăng 22% so với năm 2019.

Trước đó, trong báo cáo hồi tháng 4, CTCP Chứng khoán VNDirect kỳ vọng doanh thu của Taseco Airs sẽ tăng 363,2% trong năm 2022 và tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CARG) đạt 47,9% trong giai đoạn 2023 - 2025. Đặc biệt, đối với mảng bán lẻ sân bay, VNDirect kỳ vọng doanh thu bán lẻ của AST sẽ tăng 413,6% trong năm 2022 và CAGR ở mức 53% trong năm 2023 - 2025.

Bên cạnh doanh thu, VNDirect dự phóng lợi nhuận ròng của công ty sẽ phục hồi lên 29 tỷ đồng trong năm 2022 từ mức lỗ ròng 118 tỷ đồng trong năm 2021 và có thể tăng trưởng kép 127,2% trong năm 2023 - 2025.

Dù hoạt động kinh doanh của Taseco Airs được dự báo có nhiều khởi sắc trong thời gian tới nhưng SSI Research cho rằng các công ty dịch vụ sân bay nói chung và Taseco Airs nói riêng vẫn phải lưu tâm đến thị trường quốc tế, vì hành khách quốc tế thường mang lại đa số doanh thu và lợi nhuận.

Theo SSI Research, những khó khăn vẫn tồn tại trong tương lai ngắn hạn và trung hạn, liên quan đến một số yếu tố rủi ro như chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc bởi lượng khách Trung Quốc thường chiếm 30% lượng khách du lịch của Việt Nam, nên việc thực thi chính sách "Zero COVID của Trung Quốc kéo dài sẽ tiếp tục gây áp lực lên ngành du lịch Việt Nam cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với đó, chiến sự leo thang tại Ukraine cũng sẽ làm giảm nhu cầu, đặc biệt là từ khách du lịch từ Nga, vốn thường chiếm từ 4% - 5% lượng khách du lịch của Việt Nam. Đồng thời, các chuyến bay đường dài giữa châu Á và châu Âu tiếp tục bị ảnh hưởng và phải định tuyến lại do không phận của Nga bị đóng cửa.

Ngoài ra, còn có rủi ro giảm hoạt động du lịch do suy thoái kinh tế đến từ nguyên nhân lạm phát cao và lãi suất cao.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm