Tài chính

Người Malaysia lao đao vì giá vàng tăng đúng mùa cưới

TIN MỚI

Người phụ nữ 57 tuổi lập tức từ bỏ ý định tặng lắc tay làm quà cưới. Thay vào đó, cô quyết định mừng tiền mặt.

Giá vàng tăng vọt trong những tuần gần đây đã khiến nhiều người phải suy nghĩ lại về việc mua trang sức. Trong khi đó, ở một số nước châu Á như Ấn Độ hay Trung Quốc, mùa cưới đã bắt đầu.

Người Malaysia có truyền thống mua vàng mừng đám cưới, sinh nhật hoặc mừng sinh em bé. Đối với người Ấn Độ, tháng Chithirai - bắt đầu vào ngày 15/4 - là mùa cưới. Người Trung Quốc cũng thường tổ chức đám cưới sau tiết Thanh minh (ngày 4/4).

Dạo một vòng các cửa hàng vàng ở khu phố Jalan Masjid India (Malaysia), có thể thấy nhiều người đến xem hơn là mua.

Devi cho biết người Ấn Độ thường tặng trang sức vàng cho bạn bè thân thiết trong đám cưới, nhưng từ giờ cô sẽ không làm vậy nữa.

Mang tâm trạng tương tự, Fauzi Pilus (44 tuổi) bị sốc khi đi mua vàng cho cô dâu của anh trước lễ cưới. “Tôi rất ngạc nhiên khi thấy giá cao đến thế. Tôi chỉ đủ khả năng mua những món đồ cơ bản, chẳng hạn như một chiếc nhẫn và một sợi dây chuyền . May mắn cho tôi là vợ sắp cưới rất hiểu chuyện nhưng tôi vẫn phải mua một số đồ để ‘giữ thể diện’ trước người nhà cô ấy".

"Tôi tự hỏi liệu mình có đang mua lố hay không và liệu vàng có phải là khoản đầu tư phù hợp với tôi hay không”.

Người Malaysia lao đao vì giá vàng tăng đúng mùa cưới- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Trong khi đó, một phụ nữ khác có tên Tanalakshmi Sukumaran (36 tuổi, giáo viên) cho biết cô vẫn sẽ mua vàng bất cứ khi nào có tiền và cô cảm thấy khoản đầu tư này đang mang lại kết quả.

"Hãy mua vàng khi bạn có thể vì bạn sẽ không bao giờ hối tiếc. Hôm nay tôi đến để mua một chiếc nhẫn kim cương nhân dịp sinh nhật của mình. Nhưng trước đó tôi thường mua vàng bất cứ khi nào có đủ tiền".

“ Giá vàng luôn tăng . Đúng là bây giờ tôi chỉ có thể mua được ít vàng, nhưng khi gặp khó khăn về tài chính, chúng tôi luôn có thể bán lại”, Tanalakshmi nói.

Dì của Tanalakshmi - bà Parameswary Arumugam (64 tuổi, đã nghỉ hưu) cho biết bà đi cùng cháu gái đến cửa hàng để bán thali kodi (dây chuyền cưới) sau 36 năm cất giữ.

"Tôi bán thali kodi cũ của mình và mua một cái mới. Vàng cũng là tín vật mà chúng ta nên có khi kết hôn. Thali rất quan trọng cho đám cưới. Khi giá vàng tăng cao, tôi quyết định đây là thời điểm tốt để mua một dây chuyền vàng mới”, bà Parameswary nói.

Selvarani Loganathan (42 tuổi) đang chuẩn bị cho lễ đính hôn và đám cưới của anh trai vào tháng 6 và tháng 10. Cô buộc phải mua ít đồ bằng vàng hơn kế hoạch ban đầu vì kinh tế không cho phép.

“Chúng tôi dành ra 16.000 ringgit để mua đồ trang sức, nhưng vì giá tăng vọt nên phải tạm dừng kế hoạch mua thali cho đến thời điểm hiện tại".

“Khi tôi kết hôn vào năm 2020, giá vàng là 160 ringgit/gram. Bây giờ giá đã tăng gấp đôi. Tôi hối hận vì đã không đầu tư sớm hơn".

“Chúng tôi cũng không thể chỉ mua mỗi thali - với chi phí có thể lên tới 3.200 ringgit, mà phải mua cả những món đồ khác. Con số chưa bao gồm tiền chế tác, có thể lên tới hàng trăm ringgit”, Selvarani nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm