"Chúng tôi đã có sẵn đơn hàng hàng chục triệu USD năm nay", bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch công ty Thực Phẩm Bình Tây nói tại một diễn đàn xúc tiến thương mại đầu tháng này ở TP HCM. Đơn hàng này là đầu ra cho nhà máy sản xuất miến dong mà công ty sắp vận hành.
Cùng với thực phẩm đóng gói, thủy sản chế biến cũng có tín hiệu tích cực. Sau hai năm áp lực vì suy thoái kinh tế, Thủy sản Minh Phú ghi nhận xuất khẩu thêm 30% nhờ Mỹ và EU tăng mua. Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng trên 50% so với năm ngoái.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP HCM cũng xác nhận đơn hàng nhóm thủy hải sản và các mặt hàng thực phẩm đang cải thiện, tăng trên 30%.
Theo bà Chi, từ sau Tết Nguyên đán đơn hàng xuất khẩu các doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm nói chung có đủ để duy trì sản xuất đều đặn. Tuy nhiên, nhà máy cũng chưa bận rộn đến mức tăng ca như các năm trước. "Hàng Việt đang được các nhà mua quốc tế ưu tiên", bà Chi nói sáng 16/4, thêm rằng doanh nghiệp vẫn cần mở rộng tìm thị trường mới.
Để tìm thêm đơn hàng, gần 400 doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội trong nước và quốc tế sẽ quy tụ tại TP HCM vào tháng sau, trong triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP HCM 2024. Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM (IPTC) cho biết bên cạnh sự kiện này, trung tâm sẽ tổ chức các đoàn doanh nghiệp dự các hội chợ, triển lãm thực phẩm quốc tế lớn năm nay.
Tính chung cả nước, xuất khẩu thủy sản quý I ước đạt gần 2 tỷ USD, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm 2023. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) dự báo đơn hàng của các doanh nghiệp sẽ khởi sắc và giá tốt dần lên thời gian tới.
Tuy vậy, bức tranh xuất khẩu của nhóm ngành nông sản, thực phẩm vẫn nhiều thách thức, theo các chuyên gia. "Hiện, giá bán trong nước không tăng được vì phải kích cầu, trong khi đầu vào tại chỗ lẫn nhập khẩu đều đắt đỏ, nên lợi nhuận không nhiều", bà Chi nói.
Ngoài ra, tồn kho tăng và biên lợi nhuận cũng thu hẹp. Chi phí vận tải chưa rẻ dù hạ nhiệt so với giai đoạn cuối tháng 1, ảnh hưởng tới giá, khả năng cạnh tranh của hàng Việt khi xuất khẩu. Theo Chỉ số container thế giới (WCI) của hãng dịch vụ tư vấn Drewry Shipping Consultants giảm còn 2.795 USD mỗi container 40 feet nhưng vẫn cao hơn 64% so với cùng kỳ 2023.
Trong trung và dài hạn, áp lực sản phẩm phải xanh, tức tuân thủ các quy định về phát triển bền vững đang ngày càng cao. Các quy định về bền vững của thị trường xuất khẩu, nhất là châu Âu, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ, như tiêu thụ năng lượng, nước; phát thải khí nhà kính, hay các chỉ số về môi trường, xã hội trong chuỗi cung ứng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Dịch vụ Môi trường công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng cho rằng đáp ứng các tiêu chuẩn này đem lại cơ hội tiếp cận nguồn vốn, mở rộng thị trường và giá trị cho sản phẩm nông nghiệp sạch, bền vững. Ở chiều ngược lại, việc này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đưa ra chiến lược cắt giảm, tránh tác động với sản xuất, cạnh tranh.