Chuyển đổi số ngày nay đã trở thành xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chuyển đổi số được xem là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và ngành ngân hàng là lĩnh vực chuyển đổi số nhanh và mạnh nhất.
Phát biểu tại Chuỗi sự kiện Đổi mới tài chính thế giới (World Financial Innovation Series - WFIS) - Việt Nam 2024 tổ chức từ ngày 15 - 16/04/2024 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đây là lần thứ 2 Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng Công ty TradePass tổ chức sự kiện với mục tiêu góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng cũng như khuyến khích hợp tác, tạo ra một hệ sinh thái Fintech chặt chẽ, hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đến nay, hầu hết ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ứng dụng trên internet và điện thoại di động. Tính đến tháng 11/2023, cả nước có trên 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 52 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động; 51 tổ chức trung gian thanh toán được NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang hoạt động trên thị trường.
Theo ông Hùng ,các ngân hàng cũng đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mới, ngân hàng lõi để phục vụ chuyển đổi số và ứng dụng vào hoạt động, cụ thể là Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); Công nghệ sinh trắc học (nhận diện giọng nói, khuôn mặt, vân tay, mống mắt).
Đối với lĩnh vực Fintech, NHNN đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 48 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó có hơn 40 đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử. Theo số liệu thống kê của NHNN, số lượng công ty Fintech đã tăng lên 4 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021. Trong số các công ty Fintech tại Việt Nam, có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp.
"Trong thời gian tới, quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng sẽ tiếp tục tăng tốc. Xu hướng ngân hàng hợp tác với Regtech, Suptech, Proptech cũng bắt đầu được triển khai tại Việt Nam dưới các hình thức khác nhau, trong đó Regtech là ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ thực thi pháp lý dành cho các định chế tài chính (Regtech for Financial Institutions); còn Suptech là những ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ thực thi pháp lý dành cho các cơ quan quản lý, giám sát (Regtech for Supervisors), Proptech là ứng dụng công nghệ thông tin và kinh tế nền tảng vào thị trường bất động sản, gọi tắt là công nghệ bất động sản", ông Hùng nhận định.
Ngân hàng số thu hút khách hàng bằng cách nào?
Phát biểu tại hội nghị, ông Fred Lim – CEO Ngân hàng số TNex cho rằng, mô hình ngân hàng số và ngân hàng truyền thống có rất nhiều sự khác biệt, đặc biệt là về mạng lưới hoạt động và con người. Sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ, mô hình ngân hàng truyền thống đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại do gặp các vấn đề liên quan đến chi phí hoạt động và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo ông Lim, với mạng lưới rộng lớn, các ngân hàng truyền thống gặp nhiều khó khăn trong việc cắt giảm chi phí. Đồng thời, việc thay đổi các chính sách của ngân hàng truyền thống cũng không thể linh hoạt bằng mô hình ngân hàng số.
Lãnh đạo TNex cũng cho biết, việc áp dụng công nghệ sẽ giúp các ngân hàng số tạo ra những lợi thế so với các ngân hàng truyền thống. Qua đó thúc đẩy sự phát triển của giải pháp tài chính số toàn diện, hưởng ứng tầm nhìn chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Quang – CEO Ngân hàng số Cake by VPBank cho biết, dù mới ra mắt được 3 năm nhưng ngân hàng số này đã phục vụ hơn 4,2 triệu khách hàng với gần 7.000 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm, và phát sinh 200.000 - 300.000 hồ sơ yêu cầu mở thẻ tín dụng và khoản vay mỗi tháng.
Lý giải đà tăng trưởng nhanh chóng trên, lãnh đạo Cake đánh giá, thành công của ngân hàng số Cake by VPBank đến từ việc định hướng người dùng ngay từ đầu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Theo ông Quang, hai nhóm khách hàng mục tiêu tại Cake có độ tuổi từ 22-30 và 30-40. Đây là nhóm khách hàng muốn sử dụng những dịch vụ có trải nghiệm nhanh, đơn giản, tiện lợi và sẵn sàng thử những dịch vụ mới. Do đó, AI tạo sinh được ngân hàng số này ứng dụng trong sản phẩm để tạo ra các trải nghiệm nhanh chóng, liền mạch, cá nhân hóa người dùng.
"Không một ngân hàng nào có thể đáp ứng được nhu cầu của tất cả khách hàng. Chúng tôi sẽ chọn ra những phân khúc khách hàng phù hợp nhất để đầu tư nguồn lực vào nhóm khách hàng này. Khi tham gia thị trường, chúng tôi luôn xác định là ai là đối tượng khách hàng của mình và điều họ muốn là gì. Đối với từng nhóm tuổi khác nhau chúng tôi sẽ thiết kế những sản phẩm phù hợp với họ", ông Quang cho biết.
Theo chia sẻ của vị CEO này, nhờ trí tuệ nhân tạo, khách hàng mất chưa tới 2 phút đăng ký để sử dụng một dịch vụ tài chính bất kỳ trên Cake, rút ngắn thời gian so với mô hình tài chính truyền thống.
Với trường hợp cần ứng tiền gấp, người dùng có thể mở Cake để giải quyết nhu cầu tài chính ngay tức thì như vay đi siêu thị, shopping, cafe, du lịch,… Trên ứng dụng Cake, đội ngũ phát triển sản phẩm cũng đã tích hợp đầy đủ các dịch vụ như thanh toán hóa đơn, vay ứng tiền nhanh, mở sổ tiết kiệm, thẻ tín dụng, mua chứng chỉ quỹ,...
Trong giai đoạn tiếp theo, ngân hàng số này định hướng sẽ tiếp tục cung cấp các giải pháp, dịch vụ tài chính số được thiết kế theo kiểu "may đo cá nhân", đến từ nhu cầu, hành vi, thói quen của tập khách hàng mục tiêu. Công cụ để giải bài toán sẽ là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI).
"Chúng tôi sẽ thúc đẩy và định vị Cake by VPBank trở thành 'Next Gen AI Bank' trong 3 năm tới", ông Nguyễn Hữu Quang nói.
Ông Quang đánh giá công thức thành công của Cake trong ba năm qua là sự kết hợp của việc xây dựng định hướng rõ ràng, xác định được tập khách hàng trọng tâm là nhóm từ trước đến nay vẫn chưa được tiếp cận các sản phẩm tài chính số, hoặc chưa được ngân hàng truyền thống phục vụ đầy đủ. Bước tiếp theo, Cake ứng dụng công nghệ để tối ưu chi phí vận hành, quản trị, cũng như xây dựng dải sản phẩm chất lượng cao, tăng tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ.
Kết hợp cùng AI tạo sinh, lãnh đạo Cake kỳ vọng công thức này sẽ giúp ngân hàng thuần số mang trải nghiệm tốt cho khách hàng, từ đó sẽ tối ưu được nguồn thu, trở thành ngân hàng sinh lời và phát triển bền vững.
Cũng theo chia sẻ của CEO Nguyễn Hữu Quang, chi phí để có một khách hàng của Cake chỉ bằng 20% so với mô hình truyền thống. Còn chi phí phục vụ một khách hàng tại Cake chỉ bằng 25% so với kênh truyền thống, nhờ vận hành trên môi trường số và phần lớn các khâu được tự động hóa hoàn toàn. Chính vì vậy, biên lợi nhuận của ngân hàng Cake có thể ngang ngửa so với mô hình ngân hàng truyền thống dù phải đầu tư lớn vào công nghệ.
Theo ông Quang, chỉ khoảng 5% ngân hàng số đang hoạt động trên thế giới là có lợi nhuận, vì phần lớn dịch vụ đều được cung cấp miễn phí. "Chúng tôi đang phát triển ở một quy mô tốt tại Việt Nam và đang trên hành trình lọt vào top 5% ngân hàng số hoạt động có hiệu quả trong thời gian tới", ông Quang chia sẻ mục tiêu của Cake by VPBank.