Tiến sĩ Sassan Rafi là người đã nghiên cứu sâu rộng về bệnh xơ phổi, một trong những tình trạng hiện có liên quan đến bệnh nhân coronavirus cấp tính. Ông tuyên bố hàng nghìn người Mỹ nhập viện vì virus sẽ phải đối mặt với một quả bom hẹn giờ ngay cả khi họ đã khỏi bệnh, theo Dailymail.
Những người sử dụng máy thở nhiều tuần phải đối mặt với tỷ lệ mắc bệnh xơ phổi đáng kinh ngạc, các nhà nghiên cứu cho biết. Đặc biệt, ai cũng cần cảnh giác vì tỷ lệ này cao hơn nhiều so với nhiều căn bệnh ung thư.
Xơ phổi hậu COVID có thể hiểu nôm na là tình trạng nhu mô phổi bị phá hủy trong giai đoạn cấp tính sẽ không thể phục hồi trạng thái nhu mô phổi bình thường, mà thay bằng những mô xơ (đặc biệt ở bệnh nhân bị viêm phổi nặng và ARDS). Những tổ chức xơ này không thực hiện được chức năng trao đổi khí CO2 và O2 ở phổi, dẫn đến tình trạng khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động thể lực.
40% bệnh nhân virus corona cấp tính sẽ gặp phản ứng miễn dịch cực độ, được gọi là hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), dẫn đến xơ hóa phổi. Ít nhất 20% trường hợp ARDS là nghiêm trọng.
Triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân hậu COVID theo hệ cơ quan. Nguồn: Internet
Những di chứng sau viêm phổi do SARS-CoV-2 được ghi nhận trên phim CT scan ngực sau 6 tháng theo dõi. A-dãn phế quản co kéo (mũi tên). B- xẹp phổi dạng đường (mũi tên). C- xơ phổi dạng tổ ong. D và E- dày màng phổi tạng (mũi tên). Nguồn: Internet
Tiến sĩ Rafi, Giám đốc y tế của Upright Pharmaceuticals, Inc, phát biểu rằng nhiều bệnh nhân đã từng nhập viện vẫn có thể tử vong do xơ hóa ngay cả khi họ đã hồi phục hoàn toàn sau căn bệnh liên quan đến COVID-19.
Ông giải thích: "Bệnh xơ phổi có tiên lượng kéo dài 3 năm, nặng hơn nhiều loại ung thư và hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị tối ưu. Ngay cả khi một bệnh nhân sống sót sau khi nhập viện và có chất lỏng trong phổi của họ trong nhiều tuần, họ vẫn có thể phải chịu tác động kéo dài như xơ hóa."
Vì vậy, những gì cần làm là scan phổi và nếu chúng tôi thấy xơ hóa trong phổi, điều đó nghĩa là bệnh nhân đó đã không còn cách cứu chữa nữa, ông nói.
'Đó là một căn bệnh phát triển dần dần, có nghĩa là bạn có thể cảm thấy ổn, nhưng tình trạng xơ hóa vẫn sẽ cứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn và đây là bệnh chưa có phương pháp nào điều trị được.'
Bác sĩ cho biết một số bệnh nhân có thể phải phụ thuộc vào máy thở trong suốt phần đời còn lại, trong khi những người khác có thể cần ghép phổi thì mới có thể sống sót.
Những người có nguy cơ bị xơ phổi hậu Covid19 bao gồm?
Những bệnh nhân có nguy cơ mắc xơ phổi lâu dài sau COVID gồm:
- Viêm phổi nặng ở đợt bệnh COVID-19 cấp, đặc biệt là bệnh nhân ARDS;
- Bệnh nhân thở máy áp lực dương, cần điều trị ECMO, thời gian nằm viện lâu dài;
- Bệnh nhân nặng, nồng độ các cytokines tiền viêm trong máu cao;
- Bệnh nhân có tổn thương phổi sẵn có, lớn tuổi, hút thuốc lá.
Những dấu hiệu cần kiểm tra ngay nguy cơ bị xơ phổi hậu Covid19
Người bệnh sau một thời gian bị Covid19 cần kiểm tra xem mình có bị ho khan kéo dài, khó thở khi vận động gắng sức hay không. Nặng hơn là khi bệnh nhân có thể khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, cản trở mọi sinh hoạt đời sống thường ngày. Một khi gặp tình trạng đó cần chụp CT scan ngực để kiểm tra ngay sức khỏe của phổi.
Cần làm gì để tránh khả năng bị bệnh này?
Tất cả những bệnh nhân từng mắc viêm phổi do COVID-19 đều nên được khám sàng lọc di chứng phổi hậu COVID, đặc biệt là những bệnh nhân nguy cơ rất cao như: viêm phổi nặng, ARDS, từng thở máy, điều trị ECMO, lớn tuổi, có bệnh nền phổi từ trước… nên được đánh giá xơ phổi hậu COVID. Bác sĩ Phan Minh Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, để phát hiện sớm tình trạng bệnh nhân mắc di chứng hậu COVID-19, bệnh nhân sau khi xuất viện và có kết quả âm tính với COVID-19 cần quay lại bệnh viện tái khám trong khoảng thời gian từ 2-4 tuần, cần làm các xét nghiệm, thực hiện chụp X-quang chuyên sâu tim để đánh giá tổng quát, tầm soát.
Khi khám, những bệnh nhân này sẽ được khám và hỏi bệnh sử cẩn thận, làm các bài test vận động. Sau đó, bệnh nhân sẽ được thực hiện các cận lâm sàng cần thiết tùy từng trường hợp cụ thể. Những cận lâm sàng có thể được đề nghị gồm: chụp CT scan ngực với độ phân giải cao, đo chức năng hô hấp: thăm dò thể tích phổi và độ khuếch tán khí của phổi, xét nghiệm máu, một số trường hợp có thể phải sinh thiết phổi để chẩn đoán.
Ngoài ra, bệnh nhân cần được tầm soát những bệnh lý khác gây khó thở như suy tim, tăng áp phổi, nhiễm trùng hô hấp tái phát… - là những biến chứng có thể gặp hậu COVID. Việc tiếp cận toàn diện này giúp không bỏ sót chẩn đoán và điều trị tối ưu tình trạng khó thở cho bệnh nhân.
(Theo Dailymail, Tuổi Trẻ)