Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản thẩm định hiện trạng tài nguyên rừng phục vụ lập thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của 486ha nhằm xây dựng tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.
Trong tổng số 486ha được kiểm kê thì có đến hơn 470ha đất người dân đang sản xuất nông nghiệp, cây trồng chủ yếu là cây lâu năm như cà phê, chè...
Diện tích đất này nằm trên địa giới hành chính các xã Lộc Thanh, phường Lộc Phát của TP.Bảo Lộc; các xã Lộc An, Lộc Đức của huyện Bảo Lâm; các xã Đinh Lạc, Đinh Trang Hòa, Gia Hiệp, Liên Đầm, Tân Châu, Tân Nghĩa, Tam Bố của huyện Di Linh và các xã Hiệp Thạnh, Liên Hiệp, Ninh Gia, N’Thol Hạ, Phú Hội, Tân Hội, thị trấn Liên Nghĩa của huyện Đức Trọng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, đơn vị này đã hoàn thành việc thẩm định hiện trạng tài nguyên rừng để lập thủ tục xin chủ trương chuyển đổi mục đích diện tích đất phục vụ việc xây dựng đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này đã tổ chức điều tra, kiểm kê tài nguyên rừng trên diện tích 486ha, trong đó đất quy hoạch lâm nghiệp rừng sản xuất có 8,49ha, gồm 1,17ha đất có rừng và 7,32ha đất không rừng. Đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp là 477,51ha, trong đó có 1,9ha đất có rừng và 475,6ha đất không rừng.
Trên diện tích đất có rừng phải chuyển đổi mục đích, tỉnh Lâm Đồng thống kê có trữ lượng gỗ 247m3, toàn bộ là rừng trồng gỗ núi đất gồm thông 3 lá trồng năm 2002 và thông Caribe trồng năm 2017.
Từ kết quả điều tra, thẩm định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, liên danh nhà đầu tư sẽ có cơ sở để hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu xin chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và các thủ tục khác có liên quan để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư.
Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài 73km, quy mô bốn làn xe với nền đường 17m, giai đoạn hoàn chỉnh dài 24,75m. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ 11.300 tỷ đồng, theo phương thức PPP, dự kiến xây dựng trong 24 tháng, thông xe trong năm 2025.
Về cơ cấu nguồn vốn, vốn địa phương Lâm Đồng là 1.500 tỷ đồng, còn lại vốn do nhà đầu tư huy động, trên 7.000 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương là 20 năm.