Bất động sản

Người dân Việt Nam mất khoảng 23,5 năm thu nhập mới mua được nhà giá trung bình

Người dân Việt Nam mất khoảng 23,5 năm thu nhập mới mua được nhà giá trung bình- Ảnh 1.

Chia sẻ tại diễn đàn “Thị trường Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới” chiều 27/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua nhờ vào các chính sách điều hành hiệu quả của Chính phủ.

Ông cho biết, Tổ công tác của Chính phủ đã tháo gỡ được 129 dự án vướng mắc trên tổng số 750 dự án. Quá trình rà soát, tháo gỡ cho thấy các điểm còn vướng mắc liên quan đến tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh dự án đầu tư, quy hoạch...

Cùng với đó, Quốc hội đã thông qua 4 dự án luật quan trọng liên quan đến thị trường bất động sản, bao gồm Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở và Luật Các tổ chức tín dụng. Chính phủ và các bộ ngành cũng đã xây dựng các văn bản hướng dẫn các luật này.

Nhờ đó, theo báo cáo của các địa phương, năm 2024, nguồn cung về nhà ở tại các dự án thương mại đã tăng 8,6% so với năm 2023. Nhiều dự án ách tắc đã được các địa phương tháo gỡ khó khăn, cấp phép xây dựng, đây là tín hiệu tốt khi có các luật mới.

Không chỉ nguồn cung tăng, thị trường căn hộ TP Hà Nội liên tục dẫn đầu tốc độ tăng trưởng về giá bán qua các kỳ, theo sau là thị trường căn hộ TP Đà Nẵng. So với kỳ gốc, giá bán bình quân của các dự án trong tập mẫu tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM ghi nhận mức tăng lần lượt là 72,4% , 49,9% và 34,3%.

Đặc biệt, trong năm 2024, nhiều kỷ lục về đấu giá đất được xác lập tại Hà Nội, giá trúng đấu giá cao hơn hàng trăm lần so với giá khởi điểm. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do kết quả phục hồi của thị trường chung; Mức giá khởi điểm thấp; Nguồn cung vẫn hạn chế; Tâm lý đầu cơ; Quy định xử phạt vi phạm liên quan chưa cụ thể và đủ răn đe…

Liên quan đến giá nhà ở Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho hay: “Theo khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giá nhà không được gấp quá 30 năm thu nhập của một công nhân. Nếu quá mức này, dấu hiệu bong bóng bất động sản xuất hiện. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đâu đó đã gấp khoảng 60 năm. Tốc độ tăng giá bất động sản ở Việt Nam chóng mặt”.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia thông tin, một khảo sát mới nhất của tổ chức chuyên nghiên cứu về bất động sản cho thấy, giá bất động sản ở Việt Nam so với thu nhập trung bình của người dân phải mất khoảng 23,5 năm thu nhập mới mua được một căn nhà giá trung bình, so với bình quân của thế giới là 14,5 năm.

“Chỉ số tăng giá bất động sản từ năm 2019 đến nay của Việt Nam tăng nhanh nhất khu vực, đặc biệt là nhà ở và đất nền. Mặc dù nguồn cung thiếu, nhu cầu thực có mà giao dịch thời gian qua chững lại, vì sao?”, ông Lực đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia khẳng định, không thiếu nguồn vốn để cung cấp cho thị trường bất động sản. Nguồn vốn ngân hàng cho bất động sản vẫn tăng 9,15% trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, cho vay chủ đầu tư tăng 16%, cho vay mua nhà chỉ tăng 4,6%, tức là người dân chưa vay tiền để đi mua nhà.

“Liên quan đến giá bất động sản, Luật Kinh doanh Bất động sản đã yêu cầu Chính phủ phải can thiệp. Nếu giá bất động sản tăng 20% một quý, Nhà nước phải can thiệp. Vừa rồi, giá đã tăng nhiều hơn 20%; thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục can thiệp để giá bất động sản phù hợp, bền vững hơn cho cả người mua lẫn người bán”, ông Lực nói thêm.

Từ thực tế này, ông Lực đã đưa ra nhiều giải pháp cho thị trường bất động sản. Trong đó, ông lưu ý cần tăng nguồn cung.

“Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ sớm đưa gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đã đề nghị, bước đầu khoảng 60.000 tỷ; trong đó Trung ương là 30.000 tỷ đồng, chủ yếu dưới dạng phát hành trái phiếu Chính phủ. Còn địa phương khoảng 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt, cần tháo gỡ nhanh những dự án bất động sản, đất đai còn vướng mắc hoặc bỏ hoang trong nhiều năm qua. Nếu giải quyết được vấn đề này, lượng cung bất động sản sẽ cực lớn”, ông Lực nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Lực cho rằng, hiện có nhiều thông tin, số liệu khác nhau về bất động sản, nên kiến nghị phải sớm thiết lập một cơ sở dữ liệu về đất đai, bất động sản, nhà ở.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm