Bất động sản

Tòa đang thụ lý, hàng chục căn nhà ở Bình Dương vẫn mọc trên đất tranh chấp

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2017, ông Ký phát hiện ông Lê Văn Hoàng (SN 1967, quê An Giang), bà Nguyễn Thị Út (SN 1967) và ông Ngô Văn Phúc (SN 1982) đã tự ý xây dựng trái phép trên thửa đất rộng gần 6.500m2 của mình ở xã Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (nay là phường Tân Phước Khánh, TP.Tân Uyên).

Tòa đang thụ lý, hàng chục căn nhà ở Bình Dương vẫn mọc trên đất tranh chấp- Ảnh 1.

Những căn nhà trong khu đất đang tranh chấp

Thửa đất này, ông Ký được UBND huyện Tân Uyên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1999.

Dù đã nhiều lần tố cáo và khởi kiện, các bị đơn vẫn ngang nhiên tiếp tục xây dựng trái phép, bán nhà, bán đất cho người dân với hình thức giấy tay, hoặc lập vi bằng. Giá mỗi căn nhà, từ 800 triệu đến hơn 1 tỷ đồng; đất nền từ 250 đến 500 triệu đồng.

Thậm chí, ông Hoàng còn khởi kiện để hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Ký, nhưng đã bị TAND cấp cao tại TP.HCM bác bỏ.

Tòa đang thụ lý, hàng chục căn nhà ở Bình Dương vẫn mọc trên đất tranh chấp- Ảnh 2.

Ông Hoàng kháng cáo và cho rằng đã xây nhà trên đất của gia đình

Tại phiên tòa sơ thẩm vào ngày 23/7/2024, TAND thành phố Tân Uyên đã chấp nhận yêu cầu của ông Ký, buộc các bị đơn phải tháo dỡ công trình và trả lại đất.

Ông Hoàng đã kháng cáo cho rằng, mình xây nhà trên đất của mẹ (bà Điệp, đã mất) để lại. 71 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ kiện, là những người đã mua nhà, đất của ông Hoàng không đồng ý với bản án của tòa sơ thẩm và kháng cáo lên TAND tỉnh.

Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi xem xét kỹ lưỡng hồ sơ vụ án, HĐXX nhận thấy vụ án còn nhiều vấn đề cần làm rõ. Do đó, HĐXX đã quyết định hủy bản án sơ thẩm và trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tòa đang thụ lý, hàng chục căn nhà ở Bình Dương vẫn mọc trên đất tranh chấp- Ảnh 3.

Luật sư phía nguyên đơn cho rằng, vụ việc có dấu hiệu hình sự nên cần xem xét lại

Ở vụ án này, điều đáng chú ý là từ tháng 12/2019, khi phát hiện ông Hoàng bắt đầu xây dựng trái phép căn nhà cấp 4 đầu tiên để bán, ông Ký đã kịp thời gửi đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Tòa án đã chấp thuận và ra quyết định cấm ông Hoàng tiếp tục xây dựng. Tuy nhiên, ông ta vẫn ngang nhiên vi phạm quyết định của Tòa án, tiếp tục xây dựng nhà trên đất nông nghiệp và bán cho người dân với hình thức viết tay, lập vi bằng.

Đến tháng 11/2023, sau kiểm đếm, đã có 6 căn nhà cấp 3, 30 căn nhà cấp 4 và 2 dãy trọ được xây dựng trái phép trên khu đất này.

Hiện nay, trên đất đang tồn tại 48 công trình nhà ở các loại trên đất nông nghiệp.

Tòa đang thụ lý, hàng chục căn nhà ở Bình Dương vẫn mọc trên đất tranh chấp- Ảnh 4.

Khu đất đang tranh chấp nhưng vẫn mọc lên hàng chục căn nhà

Điều đáng lo ngại là các giao dịch mua bán nhà đất này đều diễn ra trong thời gian vụ án đang được xét xử, khiến cho những người mua nhà rơi vào tình cảnh khó khăn. Họ đã bỏ ra một số tiền lớn nhưng lại không có bất kỳ giấy tờ pháp lý nào đảm bảo quyền sở hữu.

Từ vụ việc này, khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có sự buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hay không.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm