Cơn bão Mặt trời (bão địa từ) mạnh nhất trong 2 thập kỷ qua bất ngờ tấn công Trái đất hôm 10-5 đã tạo ra hình ảnh cực quang ngoạn mục với nhiều màu sắc, từ màu hồng, xanh lá cây, tím, trên bầu trời Mexico, miền Nam châu Âu và Nam Phi.
Sau khoảng hai tuần, cụm vết đen Mặt trời khổng lồ ném năng lượng và khí về phía Trái đất sẽ quay ngược về phía chúng ta. Các nhà khoa học cho biết hiện tượng này có thể vẫn đủ lớn và phức tạp để tạo ra nhiều vụ nổ chạm vào từ trường Trái đất, tạo ra nhiều cực quang hơn.
Bữa tiệc cực quang đầy sắc màu
Theo BBC, kể từ thứ bảy tuần trước, Mặt trời tiếp tục phát ra lượng bức xạ ngày càng tăng. Một ngọn lửa Mặt trời khổng lồ hôm 14-5 đã làm gián đoạn liên lạc vô tuyến tần số cao trên toàn cầu.
Trên hết, vết đen Mặt trời hoạt động quá mức này sẽ không phải là vết đen cuối cùng. Mặt trời đang tiến gần đến "cực đại mặt trời" - một điểm trong chu kỳ 11 năm, khi hoạt động của "quả cầu lửa" này mạnh nhất. Đây là hiện tượng xảy ra khi các cực từ của Mặt trời bị lật ngược, làm phát sinh các vết đen Mặt trời bắn ra vật chất, tạo ra thời tiết không gian.
Chu kỳ Mặt trời này là chu kỳ thứ 25 kể từ khi con người bắt đầu quan sát một cách có hệ thống các vết đen Mặt trời vào năm 1755. Người ta cho rằng hiện tượng lần này sẽ tĩnh lặng, nhưng các nhà khoa học cho biết mọi thứ xảy ra có vẻ mạnh hơn dự kiến.
Krista Hammond - nhà dự báo thời tiết không gian tại Văn phòng Met - giải thích cường độ của một chu kỳ được ước tính bằng số lượng vết đen Mặt trời. Tuy vậy, chúng cũng không thực sự cho chúng ta biết các cơn bão sẽ mạnh đến mức nào khi đến Trái đất.
Sean Elvidge - giáo sư về môi trường không gian tại Đại học Birmingham - nói cơn bão Mặt trời cuối tuần trước là sự kiện xảy ra 30 năm một lần và lớn nhất kể từ năm 2003. Hiện tượng này là kết quả của ít nhất năm vụ phun trào nhật hoa (CME) - sự phun trào tiếp nối nhau của từ trường và bão Mặt trời.
Bão địa từ mất khoảng 18 giờ để đến được Trái đất, nơi các vụ phun trào nhật hoa tương tác với từ trường của chúng ta. Từ quyển là thứ che chắn con người khỏi tất cả bức xạ cực mạnh đó. Nếu không, sẽ không có sự sống trên Trái đất.
Cơn bão mạnh đến mức được xếp hạng cảnh báo G5. Đây là mức cao nhất được đưa ra bởi các nhà dự báo tại Văn phòng Khí tượng và Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ.
Tác động nặng nề đến Trái đất
Ian Muirhead - nhà nghiên cứu hệ thống không gian tại Đại học Manchester - giải thích rằng những cơn bão này không chỉ tạo ra cực quang đẹp rực rỡ, mà còn có nhược điểm. Chúng ta hiện phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ so với thời điểm xảy ra cơn bão lớn năm 2003.
"Rất nhiều dịch vụ của con người đến từ không gian. Chúng ta thậm chí không nhận ra, nhưng đó là 'chất keo' gắn kết rất nhiều thứ trong nền kinh tế", ông nói.
Chủ sở hữu SpaceX, Elon Musk, thông tin trên X rằng cơn bão đã khiến các vệ tinh Starlink cung cấp Internet của ông "chịu rất nhiều áp lực". Người phát ngôn của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết Starlinks có điện áp tăng vọt.
Theo ESA, các vệ tinh mà chúng ta sử dụng để cung cấp GPS và điều hướng cũng bị nhiễu tín hiệu khi nhiều bức xạ hơn hướng về Trái đất. Thậm chí, theo tiến sĩ Elvidge, một chuyến bay từ San Francisco đến Paris đã được định tuyến lại để tránh bay qua Bắc Cực, nơi có bức xạ mạnh hơn.
Trường hợp xấu nhất là hiện tượng được cộng đồng thời tiết vũ trụ gọi là "sự kiện cấp độ Carrington". Sự kiện này nói về cơn bão Mặt trời lớn vào một đêm năm 1859, khiến cực quang trên toàn thế giới sáng đến mức mọi người bắt đầu làm bữa sáng vì họ nghĩ đó là ban ngày.
Dòng điện được tạo ra lớn đến mức các dịch vụ khai thác điện báo ở Canada vẫn tiếp tục truyền tín hiệu ngay cả khi đã ngắt kết nối thiết bị theo cách thủ công để đảm bảo an toàn. Hỏa hoạn bùng phát từ các thiết bị hư hỏng.
Dự báo thời tiết không gian còn non trẻ so với thời tiết khí quyển, nhưng khi con người tìm hiểu nhiều hơn về Mặt trời và gửi nhiều thiết bị hơn vào không gian, dự đoán siêu bão tiếp theo sẽ ngày càng khả thi hơn.
"Đằng sau vẻ đẹp cực quang là hiểm nguy"
"Chúng ta cần hiểu rằng đằng sau vẻ đẹp cực quang ẩn chứa mối nguy hiểm", ông Quentin Verspieren - điều phối viên chương trình an toàn không gian của Cơ quan Vũ trụ châu Âu - nhấn mạnh.
Ông Mike Bettwy - thuộc Trung tâm Dự báo thời tiết không gian Mỹ - cho biết các nhà khoa học đang tập trung vào những tác động tiềm ẩn nguy hiểm hơn của các cơn bão Mặt trời, trong đó có việc phá hủy lưới điện và vệ tinh, hoặc khiến các phi hành gia phải tiếp xúc với mức độ phóng xạ nguy hiểm.
Theo ông Bettwy, dù cơn bão Mặt trời hôm 10-5 có vẻ gây ít thiệt hại hơn so với các cơn bão Mặt trời trước đó, song thường phải mất vài tuần mới có thể đánh giá đầy đủ tác động.
Trên thực tế, những cơn bão Mặt trời như cơn bão gần đây tạo ra điện áp và dòng điện từ, có thể khiến các thiết bị như vệ tinh và lưới điện bị quá tải. Đơn cử cơn bão Mặt trời tồi tệ nhất trong lịch sử xảy ra vào năm 1859, được biết đến là Sự kiện Carrington, từng khiến các trạm điện và nhiều thiết bị bốc cháy.
Theo giới khoa học, dù hiện nay các nước đã tăng cường cải thiện mạng lưới điện của mình, nhằm ngăn chặn tình trạng mất điện kéo dài như ở Thụy Điển năm 2003 hoặc Canada năm 1989, song để đối phó với các cơn bão mặt trời sắp tới, người dân cần chuẩn bị thiết bị khẩn cấp để đề phòng mất điện, cũng như nước trong trường hợp các nhà máy nước ngừng hoạt động.