Kỹ năng sống

Người đàn ông hỏng 1 quả thận do chủ quan: Bác sĩ đưa ra khuyến cáo

Mất một bên thận vì chủ quan

TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, cho biết mới đây, khoa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân ngoài 60 tuổi (tại Phú Thọ) đã cắt bỏ một bên thận do biến chứng của sỏi thận.

Theo bệnh nhân, cách đây 5 năm, bệnh nhân đau lưng, đi khám và được chẩn đoán có sỏi thận nhỏ, cần theo dõi. Tuy nhiên, bệnh nhân chủ quan không đi khám lại, ở nhà tự uống thuốc nam với mong muốn sỏi được đẩy ra ngoài một cách tự nhiên.

Sau 3 tháng uống thuốc nam, bệnh nhân thấy đau nhiều, đi khám thì được biết sỏi đã rơi từ thận xuống niệu quản. Bệnh nhân nói với bác sĩ: "Lúc đó, tôi vui lắm vì nghĩ uống thuốc nam tốt quá, sỏi sắp ra ngoài theo đường tiểu rồi".

Thời điểm này, bệnh nhân vẫn không vẫn kiên trì uống thuốc nam, đau lưng cũng giảm. Tuy nhiên, gần đây, bệnh nhân sờ thấy một khối to ở mạn sườn phải. Lo sợ u cục, bệnh nhân đi khám.

Lúc này, khi tới Bệnh viện E, bệnh nhân được phát hiện một bên thận đã mất hoàn toàn chức năng, ứa nước, có kích thước to bằng một chiếc bát tô. Với trường hợp này, bệnh nhân có chỉ định cắt bỏ một bên thận.

Người đàn ông hỏng 1 quả thận do chủ quan: Bác sĩ đưa ra khuyến cáo- Ảnh 1.

Bác sĩ Liên đang khám cho một trường hợp bệnh nhân.

"Do sự chủ quan, người bệnh phải cắt bỏ một bên thận. Rất may, kết quả khám thận còn lại của bệnh nhân tốt nên vẫn có thể duy trì chức năng trong cơ thể", bác sĩ Liên nói.

Sỏi thận - Uống thuốc nam có hết?

Hiện nay, rất nhiều bệnh nhân sỏi thận mách nhau uống thuốc nam với mong muốn sỏi thận tự  ra ngoài mà không cần phẫu thuật. Liên quan tới vấn đề này, bác sĩ Liên tư vấn: Đối với sỏi thận lớn khi đã bị canxi hóa thì rất cứng, dù đổ axit vào cũng không thể tan. Do vậy, thuốc nam, thuốc lá không thể loại bỏ được sỏi thận khi bệnh nhân đã có chỉ định can thiệp.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sỏi thận như: Dị dạng đường tiết niệu, rối loạn chuyển hóa gây tăng canxi máu, canxi niệu; thay đổi pH nước tiểu, cường tuyến cận giáp…

Trong đó, yếu tố cơ địa, yếu tố gia đình, một số người liên quan tới yếu tố chuyển hoá, môi trường lao động nóng bức, yếu tố nhiễm trùng, chế độ ăn lười uống nước, lười vận động gây ra ứ đọng nước tiểu là yếu tố tăng nguy cơ bị bệnh.

Dùng nước cứng (nước chứa hàm lượng chất khoáng cao, chủ yếu là hai ion canxi và magie) cũng là yếu tố nguy cơ hình thành sỏi.

Ngoài ra, theo bác sĩ Liên, thói quen ăn mặn dẫn tới cô đặc nước tiểu cũng làm tăng nguy cơ tạo ra sỏi.

Phòng ngừa sỏi thận 

Để có hai quả thận khỏe, mọi người cần có chế độ ăn bảo vệ chức năng thận. 

- Tránh những thức ăn độc hại cho thận như: thức ăn có tồn dư chất hóa học, chưa chất bảo quản không được cho phép, tránh ăn quá nhiều thịt.

- Uống nước đủ lượng nước trong ngày.

Trường hợp người có sỏi nhỏ nên tăng cường tập luyện thể dục thể thao, vỗ hông lưng để sỏi có thể tự rơi ra ngoài. Khi thận to thì cần phải đi khám điều trị. Hiện nay, y học hiện đại nên việc can thiệp mổ sỏi thận rất nhẹ nhàng. Sau khi can thiệp tán sỏi xong, người dân vẫn có thể sử dụng các loại thuốc y học cổ truyền.

Cuối cùng, bác sĩ Liên khuyến cáo: Điều trị sỏi thận khá nhẹ nhàng, đừng để mất chức năng mới tới bệnh viện.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm