Vài tháng qua, thị trường tài chính và FED đã có sự thay đổi liên tục về dự đoán tốc độ và thời điểm cắt giảm lãi suất dự kiến. Các thị trường đã phải điều chỉnh quan điểm từ một ngân hàng trung ương có tính thích ứng cao sang một ngân hàng trung ương thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng hơn.
Với lời chứng thực trước Hạ viện vào thứ Tư và Thượng viện vào thứ Năm, ông Powell sẽ được giao nhiệm vụ đưa ra một cái nhìn rõ nét hơn mà không khiến con thuyền Phố Wall chao đảo.
Chiến lược gia toàn cầu Quincy Krosby tại LPL Financial cho biết: “Đề bài hiện tại đối với thị trường là thu thập mọi thông tin về thời điểm FED bắt đầu thực hiện cắt giảm lãi suất và cắt giảm bao nhiêu lần. Ông ấy không nhất thiết phải trả lời điều này. Nhưng nếu có bất kỳ thay đổi nào, bất kỳ sắc thái nào, thì đó là điều thị trường muốn thấy”.
Trọng tâm câu hỏi về hành động của FED từ giờ trở đi sẽ là quan điểm của họ về lạm phát và cách ông Powell thể hiện điều đó. Trong những tuần gần đây, ông và các quan chức khác đã bày tỏ sự hài lòng với xu hướng giá cả. Đồng thời, họ vẫn cảnh giác với những rủi ro rình rập và cho rằng vẫn còn quá sớm để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Theo CME Group, các thị trường hiện dự đoán FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6 và thực hiện tổng cộng 4 đợt cắt giảm 0,4 điểm phần trăm trong năm nay. Các nhà hoạch định chính sách thì chỉ ra 3 đượt cắt giảm và tránh đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Tín hiệu làm nhiễu thông điệp
Về vấn đề lạm phát, phần lớn dữ liệu đều phù hợp với dự báo.
Chỉ số lạm phát cuối năm 2023 cho thấy xu hướng đang hạ về mức mục tiêu 2% của FED. Tuy nhiên, tháng 1 đã mang đến một cú sốc, khi giá tiêu dùng, đặc biệt là chi phí nhà ở, tăng cao. Ông Powell sẽ phải tổng hợp những xu hướng gần đây một cách cẩn thận trước Quốc hội Mỹ.
Nhà kinh tế trưởng Joseph LaVorgna tại SMBC Nikko Securities, cho biết: “Thông điệp chủ yếu không phải là ‘sứ mệnh đã hoàn thành’ mà là ‘chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ, chúng tôi dự đoán việc cắt giảm lãi suất sắp xảy ra’. Đối với tôi, đó sẽ là thông điệp trọng tâm”.
Sự xuất hiện của ông Powell trước Quốc hội xảy ra vào thời điểm nhạy cảm đối với thị trường. Sau khi chạm mức cao kỷ lục, chứng khoán đã bị bán tháo trong tuần này. Các nhà đầu đầu tư không biết lãi suất sẽ đi về đâu, đồng thời triển vọng của một số cái tên Big Tech đột nhiên trở nên bất ổn.
Cả hai điều kiện đều gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách. Giá tài sản rủi ro tăng vọt có thể phản ánh các điều kiện tài chính lỏng lẻo, thứ có thể khiến FED thắt chặt chính sách. Mối lo ngại về việc FED duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn cũng xuất hiện.
Nhà kinh tế trưởng người Mỹ Steven Ricchiuto tại Mizuho Securities viết: “Ông Powell không thể đi chệch khỏi cách tiếp cận ‘phụ thuộc vào dữ liệu, nhưng chúng tôi thực sự muốn cắt giảm lãi suất’ như Ủy ban đã cam kết thực hiện”.
Một số vấn đề khác
Chủ tịch FED Powell cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề khác. Một số nhà kinh tế, bao gồm cả LaVorgna, nhận thấy điều kiện lao động đang suy yếu, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,7%. Ngoài ra, sự tăng giá đáng kinh ngạc của tiền số gần đây cho thấy có quá nhiều tiền được chi cho hệ thống.
Thật vậy, Chủ tịch FED Atlanta - Raphael Bostic hôm thứ Hai đã đăng một bài luận, trong đó ông bày tỏ lo ngại rằng “sự hưng phấn bị dồn nén” có thể được giải phóng sau khi bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Các chiến lược gia tại Macquarie cho biết: “Vấn đề là những đợt đầu cơ điên cuồng không biết từ đâu sẽ khiến FED càng khó tỏ ra ôn hòa hơn vào thời điểm này”.
Cuối cùng, việc ông Powell xuất hiện trước Quốc hội sẽ giải quyết những áp lực chính trị. Vì trong những năm bầu cử tổng thống, đã có những lời kêu gọi ông Powell và các quan chức cắt giảm lãi suất. Họ cho rằng lãi suất cao hơn sẽ gây khó khăn đặc biệt cho các hộ gia đình thu nhập thấp.
Tham khảo CNBC