Phong cách sống

"Hot trend" đầu năm trên TikTok": Khéo co thì cả năm bớt lo “cơm áo gạo tiền”

TIN MỚI

 #NoSpendJanuary (Tháng Giêng Không Chi Tiêu) là một thử thách TikTok khá phổ biến tại Mỹ trong vài năm trở lại đây. Người dùng được khuyến khích cắt giảm mức chi tiêu trong tháng Giêng xuống mức thấp nhất có thể, hoặc bằng 0. Họ sẽ không mua đồ mới hoặc đồ chưa cần thiết để tiết kiệm tiền.

Nhờ thử thách này, Libby Brooks - một TikToker nổi tiếng về lối sống tiết kiệm - đã trả hết khoản nợ sinh viên 19.700 USD (~486 triệu VND) vào năm ngoái. Việc cắt giảm chi phí sinh hoạt mỗi ngày giúp cô tiết kiệm đến 10.400 USD (~256 triệu VND).

Suốt thời gian “đu trend”, Brooks cũng đã học thêm nhiều điều về quản lý tài chính. Mục tiêu trong năm nay của cô là tiết kiệm được 39.000 USD (~ 962 triệu VND).

photo-1709696226848

TikToker Libby Brooks đã trả hết nợ nhờ tham gia thử thách #NoSpendJanuary (Nguồn: TikTok)

Có rất nhiều cách để thực hiện thử thách: người thì quyết tâm không tiêu dù chỉ một xu, người lại cắt giảm chi tiêu dần dần như Jen Smith - một ngôi sao khác trên TikTok. Cô cho biết mình đã hạ ngân sách mua sắm hàng tuần từ 150 USD (~3,7 triệu VND) xuống còn 50 USD (~1,2 triệu VND).

"Thay vì đi đâu đó tốn tiền cùng bạn bè, tôi chủ động tìm kiếm và tham gia các hoạt động miễn phí", cô nói.

Tại các nước châu Á có truyền thống ăn Tết Âm lịch, thử thách #NoSpendJanuary được bắt đầu muộn hơn. Không còn "tháng Giêng là tháng ăn chơi", mọi người lại hô hào nhau tiết kiệm càng sớm càng tốt.

Người dùng @erazull tại Malaysia hào hứng chia sẻ rằng cô sẽ tạm thời ngừng mua quần áo, nữ trang và mỹ phẩm đầu năm. "Tôi không muốn bị mắc bẫy tiêu dùng nữa. Tôi hy vọng mình sẽ kiềm chế được", cô tâm sự.

Thay vì ngừng mua sắm, người dùng @dingjianuzi tại Trung Quốc lại chọn thay đổi thói quen ăn uống để tiết kiệm tiền. Hàng ngày, cô sẽ ăn sáng tại nhà, sau đó mang cơm trưa đi làm để không phải ăn ngoài.

"Mỗi ngày đều tiết kiệm một chút, tích tiểu thành đại", cô chia sẻ.

photo-1709696228253

Thử thách cắt giảm chi tiêu được nhiều bạn trẻ hưởng ứng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế càng khó khăn (Ảnh: TikTok)

Chỉ sau 4 ngày thực hiện thử thách, người dùng @xizi tại Trung Quốc đã cảm thấy muốn bỏ cuộc. Cô đặt mục tiêu chi không quá 10.000 CNY (~34 triệu VNĐ) trong một tháng, nhưng đã lỡ tay tiêu đến 3.500 CNY (~12 triệu VND).

Người dùng @vhighfashion tại Philippines lại có mối bận tâm khác. Dù thực hiện khá tốt thử thách, cô lo ngại rằng mình sẽ mua sắm quá tay trong tháng tiếp theo để bù đắp cho khoảng thời gian phải thắt chặt hầu bao.

"Tôi đã ghi lại tất cả những món đồ mình muốn mua nhưng không thể mua. Tôi sẽ mua chúng ngay khi thử thách kết thúc", cô chia sẻ.

Làm thế nào để thắt chặt hầu bao, chống lại cám dỗ mua sắm đầu năm?

Đầu năm là thời điểm các nhãn hàng thường tổ chức đợt giảm giá lớn, do đó rất khó cưỡng lại nhu cầu mua sắm. Trên thực tế, mọi người có thể bắt đầu "tháng không chi tiêu" của riêng mình vào bất kỳ lúc nào trong năm.

Kate Kaden - một bà nội trợ tại Mỹ - đã tiết kiệm được 2.000 USD (~49 triệu VND) trong thử thách #NoSpendJanuary nhờ hạn chế mua đồ không cần thiết. Cô đã chia sẻ 9 mẹo nhỏ sau đây nhằm giúp bạn sống sót qua "Tháng Giêng Không Chi Tiêu".

1. Tự hỏi bản thân: "Tại sao cần cắt giảm chi tiêu?"

Đầu tiên, bạn phải xác định lý do tham gia thử thách. Đó có thể là mục tiêu ngắn hạn (đi du lịch, mua đồ đắt tiền,...) hoặc mục tiêu dài hạn (trả nợ, gia tăng tài khoản tiết kiệm,...).

Theo Kaden, việc hiểu rõ tại sao mình cần phải cắt giảm chi tiêu đầu năm sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu mong muốn nhanh hơn.

2. Xóa các ứng dụng mua sắm trên điện thoại

Để hạn chế mua sắm bốc đồng, hãy xóa bớt các ứng dụng mua sắm trực tuyế... ra khỏi điện thoại của bạn. Tắt thông báo quảng cáo hay hủy đăng ký nhận email tiếp thị cũng là những việc nên làm.

Theo Ted Jenkin - CEO của oXYGen Financial, chuyên gia tài chính cá nhân và tác giả của cuốn sách "The 21-Day Budget Cleanse", con người thường mất khoảng 3 tuần để hình thành thói quen, trong đó có thói quen tiêu tiền.

"Bạn nên giảm thời gian dùng mạng xã hội. Các thuật toán trên đó biết chính xác bạn thích gì và sẽ liên tục phân phối quảng cáo cho đến khi nào bạn chịu bỏ tiền ra mua sản phẩm", ông cho biết.

3. Ưu tiên những thứ cần thiết

Nếu bạn không rõ mình nên chi bao nhiêu cho món nào, các chuyên gia tại GO Banking Rates gợi ý sử dụng "quy tắc 50/30/20".

- 50% được dùng để đáp ứng các nhu cầu cơ bản (nhà ở, thực phẩm, điện nước,...)

- 30% được dùng cho các nhu cầu ăn uống, mua sắm, sở thích,...

- 20% được dùng để tiết kiệm và trả nợ

4. Lập danh sách mua sắm

Nếu dự định mua gì đó trong tháng, bạn nên xem xét kỹ sản phẩm, rồi ghi vào một danh sách. Sau vài tuần, hãy đọc lại và cân nhắc xem nó còn đáng mua nữa không.

Ngoài ra, bạn có thể liệt kê sẵn một số hoạt động miễn phí để tránh "rảnh rỗi sinh nông nổi", chẳng hạn như đọc sách, xem phim, câu cá, đi dạo, đi tình nguyện,...

5. Dọn dẹp nhà cửa

"Tháng không chi tiêu" cũng là thời điểm thích hợp để dọn dẹp tủ quần áo và phòng ngủ. Nhờ đó, bạn dễ dàng biết được mình sở hữu những đồ gì, thứ nào vẫn tốt thì giữ lại, thứ nào không cần thì mang đi cho.

Kaden cho biết: "Việc sở hữu ít đồ đạc sẽ giúp bạn giảm căng thẳng hơn".

6. Tâm sự về kế hoạch chi tiêu với gia đình hoặc bạn bè

Theo các chuyên gia tài chính, việc nhận được sự ủng hộ từ gia đình và bạn bè là rất quan trọng. Nếu bạn và những người thân yêu không có chung đích đến, việc chi tiêu khó mà đi đúng hướng.

Kaden chia sẻ rằng cô đã phải mất cả tháng trời đều thuyết phục bạn bè, nhất là khi cô quyết định ăn tối ở nhà thay vì cùng họ đến nhà hàng.

"Kết nối với những người cùng chí hướng có thể giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn hơn suốt cả tháng", cô khuyên.

7. Không bỏ cuộc

Hành trình "thắt lưng buộc bụng" chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là trong vài ngày đầu tiên. Dù vậy, bạn hoàn toàn vượt qua được nếu kiên trì bám sát kế hoạch.

"Tiêu tiền không cần nghĩ là một thói quen rất khó để thay đổi. Với những người chưa từng tiết kiệm, đây sẽ là một thách thức mới", Kaden cho biết. "Tuy nhiên, thà thất bại vài ngày đầu còn hơn là thất bại cả cuộc đời này."

8. Tiêu dùng thông minh

Dù muốn tiết kiệm đến đâu, bạn vẫn phải bỏ ra một khoản cho các nhu yếu phẩm sinh hoạt như kem đánh răng, giấy vệ sinh, đồ tẩy rửa nhà cửa,... Việc trở thành người tiêu dùng thông minh sẽ giúp bạn cắt giảm được đáng kể chi phí.

Bạn có thể săn tìm và sử dụng các thẻ quà tặng và phiếu giảm giá, hoặc tham gia các chương trình tích điểm ở siêu thị. Đây là cách mà Kiersti Torok - một TikToker chuyên săn hàng giảm giá với 3,4 triệu người theo dõi - đã cắt giảm hóa đơn chi tiêu hàng tháng tới 50%.

9. Bắt đầu từ những việc nhỏ

Trên thực tế, không phải chuyên gia tài chính cá nhân nào cũng đồng tình với thử thách "không chi tiêu trong một tháng". Ramit Sethi - tác giả cuốn sách "I Will Teach You To Be Rich" - khuyên mọi người nên "tự tin mua những thứ bạn thích và cắt giảm thẳng tay những thứ bạn không thích", thay vì ngừng mua sắm hoàn toàn.

Theo Sethi, mọi người có thể tạo ra những thay đổi lớn bằng cách hoàn thành những việc nhỏ. "Bớt đi cà phê hay mua sắm trực tuyến lại. Hãy giữ sản phẩm trong giỏ hàng của bạn ít nhất 48 tiếng trước khi quyết định mua hay không", ông nói.

(Theo HKBusiness, Yahoo)

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm