Sau bài viết của Tuổi Trẻ Online về trào lưu nuôi chim aviary đang nở rộ, dẫn đến nhiều nguy hiểm cho các loài chim hoang dã, nhiều bạn đọc có ý kiến tranh luận.
Nuôi chim aviary để bảo tồn?
Bạn đọc Le Kien Pho chia sẻ: "Chính quyền cần kiên quyết hơn trong việc nghiêm cấm săn bắt, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã bao gồm chim, cá, thú, loài bò sát... Các mức phạt phải thật sự nghiêm khắc thì mới có thể cứu vãn môi sinh".
"Cần cấm việc nuôi các loài động vật hoang dã như chim làm thú vui" - bạn đọc Dũng bày tỏ.
"Đề nghị chính quyền xử lý mạnh nạn sản xuất mua bán dụng cụ đánh bắt, mua bán chim, kể cả các khu mua bán chim phóng sinh!", bạn đọc TVT nêu ý kiến.
Tuy nhiên, một số bạn đọc cho rằng nuôi chim aviary là một cách để bảo tồn loài này?
Bạn đọc Trần Thanh Tùng kể có người bảo vệ ở một công ty nuôi cả chục lồng chim hút mật để thư giãn tại chỗ làm. Nếu không phạm pháp thì đó cũng là sở thích của họ?
Còn bạn đọc Ben phân tích: "Nuôi aviary thì tỉ lệ sống cao hơn nuôi lồng nhỏ nhiều lần, có thể bảo tồn còn tốt hơn ngoài thiên nhiên nếu nuôi đúng kỹ thuật vì trong lồng thức ăn dồi dào và không có thiên địch".
Tranh luận lại, bạn đọc Trọng nêu quan điểm: "Đừng ngụy biện mà nói người nuôi aviary làm tăng số lượng chim hay bảo tồn chúng. Bảo tồn kiểu gì khi nuôi chúng khác môi trường, có khi lại phá vỡ chuỗi thức ăn tự nhiên của khu vực đó.
Đừng vì sự ích kỷ mà nhân danh bảo tồn tự nhiên để thay mặt thiên nhiên".
Nuôi chim hoang dã coi chừng bị phạt
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 31-12, một cán bộ kiểm lâm tại TP.HCM cho biết theo quy định, việc nuôi chim là động vật rừng thông thường phải có nguồn gốc, hồ sơ và lập sổ quản lý.
Xót xa chim trời bị treo ngược, làm thịt bán tại vỉa hè TP.HCM
Ngang nhiên giăng bẫy chim trời giữa lòng thành phố
Giăng bẫy chim trời trên cây xanh thành phố
Đối với chim là động vật rừng nguy cấp quý hiếm thì phải có phương án, được cơ quan chức năng cấp giấy hoạt động, mã số cơ sở nuôi theo quy định.
Việc nuôi các loài chim là động vật rừng thông thường hoặc những loài quý hiếm, nguy cấp không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Nuôi động vật rừng để thương mại hoặc làm cảnh phải tuân thủ quy định theo pháp luật về hồ sơ nguồn gốc hợp pháp, về chuồng trại đảm bảo an toàn, về mặt môi trường, thú y... " - cán bộ kiểm lâm nói.
Theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM), việc nuôi chim cảnh, trong đó có nuôi chim aviary cần xác định rõ loài chim cụ thể là loài nào.
Đồng thời xem có các loài sau đây hay không: động vật rừng thông thường hoặc động vật rừng thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, hoặc có loài thuộc động vật ưu tiên bảo vệ.
Trường hợp săn bắt, nuôi nhốt, buôn bán trái phép động vật rừng thông thường hoặc động vật rừng thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm hoặc có loài thuộc động vật ưu tiên bảo vệ, có thể bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đến 300 triệu đồng theo quy định tại điều 23 nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 14, điều 1 nghị định số 07/2022/NĐ-CP).
Không tiếp tay cho người buôn bán động vật hoang dã trái phép
Một cán bộ kiểm lâm khuyến cáo thêm người dân không nên mua bán trái phép động vật hoang dã, bởi điều này vi phạm pháp luật cũng như tiếp tay cho người buôn bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép.
Người dân cũng không nên nuôi nhốt, sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã không hợp pháp bởi chúng có thể có mầm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe.