Nhà thơ Johann Wolfgang von Goethe người Đức từng nói: “Sứ mệnh chân chính của con người là sống, chứ không phải tồn tại”. Con người không thể tồn tại một cách vô nghĩa mà phải sống là chính mình, sống với lý tưởng tốt đẹp cùng những mơ ước, khát vọng về một tương lai tươi sáng.
Vì vậy, chúng ta cần phải học tập, rèn luyện mỗi ngày để hoàn thiện bản thân và trở thành những con người có ích cho xã hội.
Rèn luyện 8 thói quen dưới đây để thay đổi cuộc đời, trở thành một phiên bản tốt hơn bản thân của ngày hôm qua:
1. Thức dậy sớm
Cơ thể con người chỉ cần dành khoảng 7 tiếng cho việc ngủ là đủ. Vì vậy, dù buổi sáng hôm ấy phải đến trường, đi làm hay được nghỉ thì chúng ta vẫn nên thức dậy sớm. Đương nhiên, dậy sớm cũng phải đi đôi chế độ ngủ nghỉ hợp lý, chứ không phải là kiểu hôm nay dậy sớm lúc 6h sáng nhưng hôm qua 2-3h khuya mới ngủ.
Dậy sớm sẽ giúp cơ thể chào đón ngày mới với một tinh thần hào hứng và thoải mái nhất. Hơn nữa, sau khi kiên trì dậy sớm trong một thời gian dài, bạn sẽ nhận ra mỗi ngày có thể hoàn thành nhiều việc hơn và có thời gian dành cho bản thân nhiều hơn.
2. Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đi ra ngoài
Chú ý chăm chút cho vẻ bề ngoài, từ đầu tóc, trang điểm cho đến quần áo và phụ kiện. Việc xây dựng một hình ảnh xinh đẹp, gọn gàng sẽ để lại ấn tượng tốt cho những người xung quanh và khiến bản thân trở nên tự tin hơn.
Đặc biệt, phải kiểm tra thật kỹ các đồ dùng cần thiết như hồ sơ, tài liệu, tiền bạc,... trước khi ra ngoài. Rèn luyện tính cẩn thận sẽ góp phần không nhỏ cho thành công của bạn sau này.
3. Không dùng điện thoại khi đang ăn cơm hoặc khi tham gia các buổi hoạt động, hội thảo,...
Con người dành phần lớn thời gian để sử dụng điện thoại thay vì giao tiếp với nhau là một hiện tượng tương đối phổ biến ở thời kỳ 4.0.
Kể cả trong gia đình hay ngoài xã hội, giao tiếp luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng, nó được coi là nền móng cho việc gây dựng tình cảm và tạo nên các mối quan hệ. Hơn nữa, không sử dụng điện thoại để chăm chú lắng nghe người khác phát biểu trong các cuộc họp hay hội thảo cũng là một biểu hiện tôn trọng đối với người nói và chính mình.
4. Dành lời khen cho người khác
Khen ngợi là một cách đơn giản giúp cho tình cảm trở nên bền vững. Việc khen ngợi sẽ tạo cho đối phương một cảm giác được quan tâm, chú ý và trở nên tự tin, tích cực hơn.
Đương nhiên, khi đưa ra lời khen nào đó, chúng ta cũng cần xem xét các yếu tố khác như hoàn cảnh, thời điểm, tính chất vấn đề để tránh những hậu quả tiêu cực để không khiến những lời nói tốt đẹp phản tác dụng.
5. Giao tiếp có chọn lọc
Đây là một điều hết sức quan trọng với mỗi con người, đặc biệt là sinh viên đại học. Có nhiều em học sinh vừa bước ra khỏi cánh cổng cấp ba đã vội vàng kết bạn không có kiểm soát. Cần phải hiểu rằng, tình bạn là một sự kết nối mang nhiều ý nghĩa, mối quan hệ nào cũng cần được bồi dưỡng dần theo thời gian.
Vì vậy, không cần ép bản thân phải gồng mình để trở thành bạn với tất cả mọi người mà ta gặp. Chất lượng lúc nào cũng quan trọng hơn số lượng. Một người bạn thật sự hiểu mình tốt hơn mười người bạn xã giao.
6. Biết cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ của người khác
Cảm ơn là một cách ứng xử văn hóa dùng để bày tỏ lòng chân thành và sự biết ơn đối với những người đã giúp đỡ mình.
Một lời cảm ơn ngắn gọn, súc tích và đơn giản là thế, nhưng không phải ai cũng có thể nói ra. Nó có tác động hết sức tích cực đến cuộc sống của mỗi cá nhân, dễ dàng tạo sự thiện cảm giữa người với người và nhân đôi niềm hạnh phúc.
7. Học cách chia sẻ
Con người sẽ trở nên tiêu cực hơn nếu chỉ tồn tại như một cá thể đơn độc và không có bất kỳ liên hệ nào với thế giới ngoài kia. Chia sẻ giúp chúng ta giải phóng những yếu tố tiêu cực và nhận ra con người thật của chính mình, giúp ta tạo dựng các mối quan hệ và tìm thấy những người phù hợp với bản thân. Việc học được cách chia sẻ có tác động rất lớn đến tính cách, sự trưởng thành và tồn tại của mỗi con người.
8. Nói chuyện với tốc độ vừa phải, rõ ý và có logic
Nói chuyện với một tốc độ vừa phải, rõ câu rõ chữ sẽ khiến hình ảnh của chúng ta trở nên trưởng thành hơn trong mắt người xung quanh. Bên cạnh đó, chúng ta phải học cách nói rõ ràng, rõ ý, có logic, nhất là đối với sinh viên đại học và người đã đi làm.
Nói chuyện có logic khiến chúng ta trở nên chuyên nghiệp và đáng tin cậy hơn, góp phần không nhỏ vào thành công trong cả sự nghiệp, công việc và cuộc sống.
(Nguồn: Zhihu )