Nếu vẫn còn thói quen vừa xem điện thoại vừa nói chuyện với người khác, đã đến lúc bạn chỉnh đốn lại nếu không muốn bị đánh giá là một người EQ thấp trong giao tiếp xã hội.
Xã hội hiện đại đã vẽ ra một hình ảnh sai lầm về sống nội tâm. Giờ đây, bất cứ khi nào gặp một người không quá hào hứng với việc đi chơi, đi giao du, ta sẽ gán cho họ là dị biệt, nhút nhát hoặc chống đối xã hội.
Dần dần, những người hướng nội bắt đầu tồn tại suy nghĩ phù hợp với bản sắc mà xã hội đã gán cho họ: "Nếu là người hướng nội, thì tôi hẳn phải gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội."
Tuy nhiên, khả năng giao tiếp xã hội không phải là một số đặc điểm vĩnh viễn hay có tính di truyền, mà hoàn toàn có thể học được.
Học cách hòa nhập với xã hội cũng giống như xây dựng một kỹ năng. Một khi ta đã sẵn sàng, sớm hay muộn, nó sẽ trở thành một phần trong ta. Và giống như bất kỳ kỹ năng nào khác, nó càng trở nên thú vị khi ta đã thành thạo.
Với suy nghĩ đó, đây là 7 thói quen của những người có EQ cao, giỏi giao tiếp xã hội mà mỗi người nên học hỏi:
1. Có lòng tự trọng vững vàng
Lòng tự trọng không vững vàng chính là gốc rễ của sự khó xử ngoài xã hội.
Một nghiên cứu năm 2016 do nhà thần kinh học Valentina Paz đứng đầu thực hiện đã tiết lộ rằng những người có lòng tự trọng thấp sẽ gặp khó khăn hơn trong các giao tiếp xã hội. Sở dĩ như vậy vì một người có suy nghĩ thấp kém về bản thân chắc chắn cũng sẽ sợ bị mọi người từ chối.
Do đó, để xây dựng các kỹ năng xã hội tốt, cần học cách tin tưởng vào khả năng của bản thân và chấp nhận điểm mạnh và chấp nhận điểm yếu của chính mình.
Bởi vì nếu ta không hiểu chính mình, thì người khác sẽ quy chụp hình ảnh về ta. Còn một khi đã thấu hiểu giá trị của bản thân, những lo lắng trong giao tiếp xã hội sẽ biến mất vì ta sẽ bớt bận tâm những gì người khác nói về mình.
2. Không đòi hỏi sự hoàn hảo ở bản thân
Nhà trị liệu nhận thức-hành vi Jennifer Shannon đã giải thích rằng hầu hết mọi người trở nên lo lắng thái quá khi giao tiếp với người khác vì họ muốn trở nên hoàn hảo 100%.
Họ cảm thấy mình phải luôn nói điều đúng đắn vào thời điểm thích hợp và phải là một người hài hước trong cuộc trò chuyện. Họ nghĩ rằng nếu không gây được ấn tượng với bạn bè hoặc đối tác, nghĩa là họ đã thất bại.
Điều này dẫn tới sự căng thẳng trong tâm trí.
Nếu muốn xử lý các tình huống xã hội tốt hơn, cần phải hiểu rằng ta không mắc nợ bất cứ ai, bất cứ điều gì trong một cuộc trò chuyện. Ta không có nhiệm vụ phải trở nên ấn tượng.
3. Không sàng lọc từ ngữ trong đầu
Theo Olivia Remes, nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge, một trong những lý do khiến mọi người trở nên lo lắng trong giao tiếp xã hội là vì họ kiểm duyệt các câu từ trong đầu trước khi đưa ra.
Có nghĩa là, trước khi nói, họ tự nghĩ: “Đây có phải là điều đúng đắn không?” Và họ vẫn tự hỏi điều đó sau khi đã nói ra.
Việc kiểm duyệt câu từ xuất phát từ nhu cầu gây ấn tượng mạnh mẽ. Nhưng sự thật là khi càng cố gắng nói những lời tròn trịa hoặc kể những câu chuyện cười cho phù hợp, ta càng ít thành công.
Cần hiểu rằng một cuộc trò chuyện thú vị diễn ra tự nhiên. Và nó chỉ được tạo ra với sự đóng góp của nhiều người. Đó không phải là lúc để ta thể hiện mình tuyệt vời như thế nào.
4. Cung cấp thông tin chi tiết khi nói chuyện
Một người không thích giao tiếp với người khác ở nơi công cộng cũng sẽ chỉ muốn dành ít thời gian nhất có thể khi đến lượt mình phải nói về điều gì đó.
Tuy nhiên, thái độ này là thứ phá hỏng một cuộc trò chuyện và nó cũng không tốt cho kỹ năng trò chuyện.
Những gì cần làm là học cách cung cấp thông tin chi tiết. Điều này đặc biệt tuyệt vời nếu chủ đề là thứ ta biết. Cung cấp nhiều chi tiết trong giao tiếp có thể là một cách tuyệt vời để xây dựng kỹ năng trò chuyện và làm cho thời gian bên những người khác thú vị hơn.
5. Biết cách hành động bất chấp nỗi sợ hãi
Bất cứ ai cũng có lúc cảm thấy lo sợ về điều gì đó, nhưng không phải ai cũng để nỗi sợ hãi ngăn cản hành động.
Một số người coi nỗi sợ là dấu hiệu cho thấy nên hoãn những việc sắp làm, trong khi đối với một số người khác, đó chỉ là một loại cảm giác. Và giống như bất kỳ cảm giác nào khác, nó sẽ đến và đi.
Nhưng làm sao để học cách đối mặt với nỗi sợ hãi, giúp ích cho các giao tiếp xã hội?
Sự thật là, để làm được, ta sẽ phải tự xây dựng nhận thức đúng đắn, từ đó mới có thể hành động đúng đắn. Như nhà trị liệu tâm lý Amy Morin giải thích, việc né tránh những gì bản thân sợ hãi có thể mang lại cảm giác ổn trong thời gian ngắn. Nhưng về lâu dài, nó sẽ dẫn đến những lo lắng nghiêm trọng hơn.
Hãy nhớ rằng, những điều tuyệt vời hiếm khi xảy đến dễ dàng. Về lâu dài, nỗi đau của sự trưởng thành sẽ ngọt ngào hơn nhiều so với bất kỳ sự thoải mái nhất thời nào mà sự trốn tránh mang lại.
6. Bồi đắp danh tiếng như một nghệ sĩ
Trong giao tiếp xã hội, mọi người sẽ kết luận về ta dựa trên những gì rõ ràng nhất. Sau đó, họ phân tích mọi thứ ta làm để phù hợp với giả định của họ. Ví dụ, nếu ta tỏ ra nhút nhát, rụt rè và nhếch nhác, sẽ chẳng ai còn quan tâm ta có tài giỏi như Albert Einstein hay không.
Thông thường, mọi người thường vô tình tự nhận mình là người nhút nhát và không hòa nhập từ trước cả khi gặp gỡ người khác. Và khi điều này xảy ra, sự giao tiếp khó diễn ra suôn sẻ.
Điều cần làm là trau dồi danh tiếng của mình như một nghệ sĩ. Khi bước ra ngoài, hãy ăn mặc chỉnh chu để thu hút người khác bên cạnh, biết cách thể hiện bản thân như một hình ảnh của sức mạnh, sự tự do và sự cởi mở.
Trong các tình huống giao tiếp xã hội, hãy thường xuyên mỉm cười với người khác, kèm các cử chỉ khi trò chuyện. Nghiên cứu về tác động của nụ cười đối với tương tác xã hội do Tiến sĩ Daniel John đứng đầu đã tiết lộ rằng nụ cười thúc đẩy hiệu quả giao tiếp vì nó được người đối diện coi là dấu hiệu của sự nồng ấm.
7. Không sử dụng điện thoại khi trò chuyện
Trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Kinh tế, việc sử dụng điện thoại thông minh trong các giao tiếp xã hội không chỉ làm giảm chất lượng giao tiếp, mà còn khiến ta ít hài lòng hơn về thời gian giao tiếp.
Trước hết, việc sử dụng điện thoại khi trò chuyện sẽ thể hiện một thông điệp rằng ta không quan tâm đến những gì người kia nói.
Mọi người cũng thường xuyên xem điện thoại. Trung bình, các nghiên cứu cho thấy mỗi người xem điện thoại tới 150 lần mỗi ngày. Do đó, để kiểm soát việc sử dụng điện thoại trong khi giao tiếp xã hội, quy tắc quan trọng hàng đầu là cất điện thoại khỏi tầm mắt.
Đôi khi một người có thể có ấn tượng mạnh mẽ khi trò chuyện với ta, không phải vì ta dí dỏm hay hài hước, mà vì sự chú ý của ta khiến họ cảm thấy bản thân quan trọng và được lắng nghe.
Bất cứ ai cũng có thể học để có kỹ năng xã hội tốt. Nhưng trước tiên, điều đó cần xuất phát từ mối quan tâm thực sự.
Trong sâu thẳm trái tim, ta phải sẵn sàng đón nhận mọi người như bản chất vốn có. Người khác sẽ không thể thích nếu họ cảm thấy bị phán xét khi giao tiếp với ta. Như Malcome Gladwell đã kết luận trong cuốn sách Nói chuyện với Người lạ:
“Nếu không bắt đầu trong trạng thái tin tưởng, ta sẽ không thể có những cuộc gặp gỡ xã hội có ý nghĩa.”