Theo đó, quá trình thương thảo có thể nói đã hoàn tất và đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 tại Việt Nam sẽ sớm công bố tới người hâm mộ. Nguồn tin riêng của Tiền Phong cho biết việc đàm phán diễn ra cam go nhưng kết thúc tốt đẹp. Người hâm mộ Việt Nam sẽ được theo dõi đầy đủ các trận tranh tài tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, khởi tranh tháng 11 tới ở Qatar.
Vấn đề bản quyền truyền hình World Cup 2022 trở nên nóng lên thời gian qua khi Infront Sports & Media (ISM)-đối tác của FIFA-được cho là đưa ra mức giá tới 15 triệu USD (khoảng 350 tỷ đồng). Mức giá trên tăng khoảng 30% so với World Cup 2018 tại Nga và nếu tính cả các chi phí khác, con số cuối cùng có thể “đội” lên khoảng 400 tỷ đồng. Đây là con số thách thức với các nhà đài Việt Nam trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, gây ảnh hưởng tới doanh thu quảng cáo trên truyền hình.
Người hâm mộ Việt Nam có thể yên tâm được theo dõi ngày hội bóng đá lớn nhất
Tuy nhiên, rốt cuộc thì các đơn vị Việt Nam đã tìm được phương án để thương thuyết với ISM. Trước đây, đã từng có tiền lệ Đài truyền hình Việt Nam (VTV) truyền hình trực tiếp World Cup nhờ sự “tiếp sức” của các đơn vị đồng hành giàu tiềm lực tài chính. Phương án này giúp gánh nặng chi phí của các bên được san sẻ, người hâm mộ vẫn đảm bảo được theo dõi World Cup.
Tính tới đầu tháng 10 vừa qua, khu vực Đông Nam Á hiện vẫn còn một số quốc gia chưa có tên trong danh sách sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 của FIFA, gồm cả Việt Nam và Thái Lan. Tuy nhiên nhiều khả năng trong thời gian tới cũng như Việt Nam, Thái Lan sẽ sớm có thông tin chính thức.
Một vấn đề nan giải ở Việt Nam là tình trạng vi phạm bản quyền. Đơn vị sở hữu bản quyền World Cup 2022 sẽ phải cam kết với đối tác kiểm soát những vi phạm tại Việt Nam. Đây thực tế là vấn nạn không riêng ở Việt Nam mà xảy ra tại nhiều nước, gồm khu vực Đông Nam Á.