Nỗi niềm không của riêng ai
Những ngày gần đây, câu chuyện giờ vào học của học sinh là chủ đề được bàn tán rất nhiều trên mạng xã hội. Nhiều phụ huynh than thở chuyện 7h sáng con vào học tiết 1 là quá sớm, thậm chí có trường còn bắt học sinh có mặt lúc 6h45. Điều này đồng nghĩa với việc có những em nhà ở xa trường sẽ phải dậy từ 5h để đến trường.
Phụ huynh Đ.N.H có con theo học lớp 1 tại trường Tiểu học Hát Lót (Sơn La) chia sẻ: "Năm học trước, khi học mẫu giáo, có hôm 8h tôi mới đưa con đến trường. Năm nay con vào lớp 1, 6h tôi đã phải gọi con dậy vệ sinh, ăn uống... để kịp đến trường lúc 6h45. Lắm hôm 2 mẹ con 'đánh vật' với nhau mãi mới ra được khỏi nhà, kết quả là trên đường đi cũng phải cuống cuồng, rất nguy hiểm" .
Ảnh minh họa
Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim Dung, có con học lớp 6 tại một trường cấp 2 tại Hà Nội cho hay, nhà chị cách trường học gần 4km, di chuyển bằng xe máy mất khoảng 20 phút nếu không bị kẹt xe. Giờ vào lớp của con chị buổi sáng là 7h (vào mùa hè) và 7h15 (vào mùa đông). Do đó, để kịp giờ mỗi ngày chị phải gọi con dậy vào lúc 6h để vệ sinh cá nhân, rời nhà đến trường lúc 6h30, trên đường còn tranh thủ cho con ăn sáng trước khi vào lớp.
Nỗi niềm vào học sớm đương nhiên chẳng ai hiểu rõ hơn chính các bạn học sinh. Bạn H.T, học sinh lớp 12 tại trường THPT chuyên Sơn La chia sẻ, giờ vào lớp học của nam sinh là 7h15, nên đúng 7h là tất cả học sinh phải có mặt ở trong lớp để cờ đỏ kiểm tra sĩ số. Vì nhà xa, cách trường lên đến gần 30km nên đều đặn mỗi ngày, H.T phải thức dậy từ lúc 5h để chuẩn bị mọi thứ, bắt xe bus đi học dù đêm phải thức học khá muộn để ôn thi đại học.
"Vì là học sinh cuối cấp rồi nên không chỉ học ở trường mà tối về em còn phải đi học thêm. Tối em thường ngủ vào lúc 1h đêm nên tính ra em chỉ có ngủ vọn vẹn được 4 tiếng. Nhiều lúc mệt muốn 'xỉu' nhưng biết sao giờ, quy định mãi là quy định", H.T nói.
Ảnh minh họa
Để sáng sớm ra kịp bắt xe bus, nam sinh luôn phải soạn sách vở, quần áo từ tối hôm trước . Nếu hôm nào trực nhật ở lớp thì buổi sáng đến, H.T thậm chí không có thời gian ăn sáng, chỉ có thể mang đồ ăn đến trường rồi để đến tận giờ ra chơi ăn bù.
"Hiện tại trời đã bắt đầu lạnh r ồi n ên c ứ nghĩ đến cảnh sáng sớm thức dậy đúng thật 'ám ảnh'. Ngày nào em cũng phải đặt 5-10 cái báo thức để có thể dậy kịp giờ" , H.T kể tiếp.
Tại TP.HCM, đa phần các trường đều quy định 7h học sinh phải có mặt ở trường. Nhiều trường lấy luôn giờ này là giờ bắt đầu vào tiết 1. Nhiều phụ huynh kể lại, cảnh học sinh phải ăn sáng vội trên xe để đến trường, hay thậm chí ngủ gật trên xe không phải là chuyện hiếm.
Vì phải đến lớp đúng giờ quy định nên các em không kịp ăn sáng ở nhà mà ăn vội thức ăn trước cổng trường
Gặp vấn đề với giờ vào học sớm không chỉ dừng lại ở học sinh cấp 1, cấp 2 hay cấp 3 mà ngay cả sinh viên đại học cũng nhiều khi phải "than trời". Bởi lẽ ở nhiều trường, thời gian bắt đầu ca học đầu tiên cũng là 6h50 - 6h55.
Bạn H.Đ - sinh viên năm 3 Học viện Tài chính chia sẻ: "Ca 1 của mình bắt đầu từ 6h55. Những hôm mùa đông, dậy đi học ca 1 thì trời còn tối om om. Để tránh muộn học thì những 'cú đêm' như mình thường... thức đến sáng rồi đi học luôn. Trong lớp nhiều lúc mắt cứ díp vào nhau, chỉ muốn lăn ra bàn ngủ ngay lập tức! Biết là không hợp lý nhưng hết cách, đêm ôn bài đến khuya, sáng lại phải dậy sớm đi học, thực sự không có thời gian nghỉ ngơi".
"Chỉ cần giờ vào học muộn hơn một chút, con đỡ mệt, cha mẹ đỡ khổ"
Anh H.C - phụ huynh có con học tại trường cấp 1 tại TP.HCM thắc mắc: "Tại sao trường không bố trí để học sinh bắt đầu giờ học muộn hơn? Con nhà tôi phải dậy từ lúc 5h30 để chuẩn bị đi học, giờ đó là quá sớm! Việc điều chỉnh giờ học linh theo theo tôi sẽ giúp phụ huynh thuận tiện trong việc đưa đón con em, học sinh cũng không phải chịu áp lực khi phải dậy sớm và đi học sớm".
Còn đối anh Thành, vợ chồng anh làm việc ở cơ quan nhà nước thì việc đưa đón con đúng giờ thật sự vất vả. Hằng ngày, 11h30 là cả 2 vợ chồng tất tả từ cơ quan về nhà lo cơm nước cho con ăn, rồi lại vội vã chở con đến trường học ca chiều cho kịp giờ vào lớp là 1h30. Dẫu chủ động nhưng có hôm con anh vẫn bị trễ học 5 -10 phút.
"Theo tôi, nhà trường có thể sắp xếp khung giờ học cả ca sáng và ca chiều muộn hơn để thuận tiện hơn cho học sinh lẫn phụ huynh. Khi đó, con sẽ có thời gian nghỉ ngơi để vào học hiệu quả hơn" , anh Thành kiến nghị.
Còn chị Kim Dung thủ thỉ: "Nhiều lúc mình gọi, con còn cố nằm thêm 5-6 phút nên thành thử đôi khi muộn học. Nếu như giờ vào lớp là 7h30 thì ắt hẳn sẽ tốt hơn. Lúc đó cả phụ huynh lẫn học sinh đều có thể thong thả hơn, mẹ đưa con đến trường rồi có thể đến thẳng cơ quan làm việc".
Ảnh minh họa
Khác với nhiều người, chị Trần Bích Ngọc (một phụ huynh ở Sơn La) chia sẻ, có thể vì lượng kiến thức quá nhiều nên nhà trường cần sắp xếp vào học sớm và kết thúc buổi học trễ. Việc này là bất khả kháng và chị rất thông cảm với nhà trường. Về phía mình, chị cho rằng các bậc phụ huynh nên chủ động hỗ trợ cho con em mình một thời gian biểu riêng hợp lý, hạn chế dành thời gian cho những việc không cần thiết như: dùng mạng xã hội, chơi game quá nhiều... Như vậy thì thời gian nghỉ ngơi sẽ đầy đủ và chất lượng hơn, khi ấy thì giờ học sớm hay muộn cũng không còn là vấn đề nữa.
Xu hướng các nước học sau 8h
Tại Úc, học sinh nhiều bang thường bắt đầu học vào lúc 8h30-9h sáng và kết thúc vào 15h-15h30. Học sinh sẽ ăn trưa tại trường và có thời gian ngắn nghỉ ngơi. Nhiều trường còn tổ chức các hoạt động, câu lạc bộ sau giờ học để thuận tiện cho phụ huynh đón con sau giờ làm.
Học sinh Phần Lan bắt đầu ngày học lúc 8-9h tùy từng vùng và kết thúc sớm từ 1-2h chiều. Cứ sau 45 phút học, các em được nghỉ 15 phút. Tại Singapore, nhiều trường chủ động điều chỉnh giờ vào học muộn hơn.
Hầu hết các trường ở Hoa Kỳ bắt đầu vào học lúc 8h sáng. 20% học sinh bắt đầu vào học từ 7h45 hoặc sớm hơn. Theo nghiên cứu của ông Finley Edwards - một nhà kinh tế học của Trường ĐH Colby, những học sinh kém nhất đã học khá dần lên khi giờ học bắt đầu muộn hơn.
Tổng hợp