Công nghệ

Người chơi tiền số cầu may trong cơn sốt AI

Phan Hải, 29 tuổi tại Đồng Nai, cho biết cuối tháng 2, cơn sốt ChatGPT lan sang lĩnh vực tiền mã hóa và hàng loạt dự án có tên BingChatGPT mọc lên. Anh được bạn bè rủ đầu tư vài trăm USD với kỳ vọng gỡ khoản lỗ sau cú sập tiền số năm ngoái. Tuy nhiên, các token này giờ không có thanh khoản, xem như mất trắng.

Khi cơn sốt token ChatGPT qua đi, một làn sóng tiền số AI mới lại đến. "Khắp các hội nhóm tôi tham gia đều bàn tán sôi nổi về những dự án tiền số gắn với AI. Tôi và bạn bè tiếp tục đặt cược vào xu hướng này dù biết khá may rủi", Hải nói.

Nguyễn Lâm, 34 tuổi, nhân viên văn phòng ở TP HCM, nói anh cũng biết nhiều token này thuộc dạng sớm nở chóng tàn nhưng vẫn bỏ ra 100-200 USD để "chơi xổ số". "AI hiện thu hút sự chú ý lớn, nên giá của những tiền số này có thể tăng vọt sau một đêm. Tôi đã mua vài mã và dự định bán ngay khi thấy giá tăng cao như kỳ vọng", anh nói.

Quang Thuần, quản trị viên một nhóm đầu tư tiền số với 43.000 thành viên, cho biết: "Trong các post về tiền số AI, nhiều thành viên nói thẳng là họ đang cầu may và mua theo sự rủ rê của người khác thay vì dành thời gian phân tích kỹ về công nghệ và tiềm năng của dự án". Theo ông, điều này là do đa số xác định chơi ngắn hạn, lướt sóng kiếm lời. Tuy nhiên, tuổi đời của các token này thường rất ngắn và khó lường. Bên cạnh một số người may mắn, không ít người chưa kịp bán ra, dự án đã sập.

Tiền số AI được thảo luận trong các hội nhóm về tiền mã hóa. Ảnh: Thiên An

Tiền số AI được thảo luận trong các hội nhóm về tiền mã hóa. Ảnh: Thiên An

Ông Luân Trần, Giám đốc công nghệ một startup về blockchain tại TP HCM, cho biết tiền số AI thực tế đúng nghĩa là một loại tiền điện tử kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo vào mô hình hoạt động. Những token này thường đóng vai trò là nền tảng dành riêng cho các nhà nghiên cứu AI và học máy trong mô hình mở và phi tập trung - vốn gắn liền với công nghệ blockchain.

Ông đưa ra bốn ưu điểm khi đưa AI vào tiền mã hóa là tăng khả năng bảo mật, thu thập thông tin nhanh, cải thiện khả năng ra quyết định và quản lý rủi ro tốt. Tuy nhiên, hầu hết người chơi dạng lướt sóng không quan tâm. "Họ chủ yếu tập trung vào dự đoán giá, khiến nhiều token bị bơm thổi quá đà, tạo bong bóng thu hút người chơi để xả hàng", ông lưu ý. "Nếu không tỉnh táo có thể sẽ mất lớn. Đây không phải giai đoạn tốt để chơi trò may rủi".

Theo ông Thuần, có nhiều dự án tiền số AI đang được người Việt quan tâm như Cortex (CTXC), Numerai (NMR), SingularityNET (AGI) hay Fetch.AI (FET). Các token này được đánh giá tiềm năng nhưng vốn hóa thị trường còn nhỏ, khó dự đoán còn duy trì sức hút khi cơn sốt AI qua đi hay không. "Không ít người chạy theo cơn sốt và mất tiền vì không hiểu rõ bản chất công nghệ, chỉ lướt sóng ăn may dựa trên những lời đồn thổi", admin này cho biết.

Cuối tháng 2, công ty bảo mật blockchain PeckShield phát hiện hàng chục dự án "lùa gà" ăn theo ChatGPT. Trong số đó, ít nhất hai token đã mất 100% giá trị, trong khi khoảng một phần ba đã sụt giảm hơn 65%. PeckShield nhận định đây là những dấu hiệu điển hình của chiêu trò "rút thảm" và "bơm xả". Hai thuật ngữ này mô tả các dự án bắt đầu bằng những phát ngôn, tuyên bố gây hiểu nhầm để thổi phồng giá trị token và bán với giá cao. Sau đó, họ âm thầm "xả" toàn bộ tài sản đang nắm giữ khi giá đang lên và rút lui, khiến người chơi trắng tay.

Trong khi đó, công ty phân tích Chainalysis thống kê trong năm 2022 có khoảng 10.000 dự án "rút thảm". Trong tổng số 1,1 triệu dự án tiền số năm ngoái, chỉ có 40.521 mã "có tác động" đến hệ sinh thái tiền điện tử, còn lại hơn nửa là token rác. Tuy vậy, trong 40.521 token được đánh giá tốt, cũng có 9.902 dự án, tương đương 24%, bị sụt giá ngay sau một tuần ra mắt.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm