Nhiều năm nay, Raju Prasad, 42 tuổi, ở bang Bihar đi ăn xin quanh ga tàu Bettiah. Mỗi lần ngửa tay xin ông thường bị từ chối vì không có tiền lẻ. Nhưng vài tháng gần đây, trên cổ Raju xuất hiện một tấm thẻ có in mã QR để nhận bố thí. Ông cũng mang theo máy tính bảng để kiểm tra các khoản từ thiện được nhận trong ví điện tử.
Từ khi dùng mã QR để ăn xin, thu nhập của ông tăng gần gấp đôi, khoảng 300 rupee, (gần 4 USD) một ngày, cao hơn thu nhập trung bình của một nông dân tại Bihar, bang nghèo nhất Ấn Độ.
Với vài bước đơn giản, người qua đường có thể chuyển 5 đến 10 rupee cho Raju, thay vì lục tiền lẻ trong túi hoặc ví. "Những người từng từ chối, nói rằng không có tiền mặt, giờ có thể quét mã QR và sẵn sàng cho tôi khoản tiền nhỏ", Prasad nói và đã làm một thẻ ngân hàng để thực hiện các giao dịch trong thời gian tới.
Ứng dụng công nghệ để ăn xin là một phần của xu hướng bùng nổ ví điện tử tại Ấn Độ trong bối cảnh thu nhập người dân tăng, đường truyền Internet và smartphone giá rẻ phát triển. Nhưng ví điện tử chỉ bùng nổ khi đại dịch bùng phát, khiến hàng triệu người phải mua thuốc, hàng hóa không tiếp xúc.
Theo thống kê của S&P Global Market Intelligence, thanh toán trực tuyến đã vượt rút tiền tại cây ATM, chiếm 30% nhu cầu tiêu dùng cá nhân tại Ấn Độ, vào quý 2/2020. Quy mô thị trường này tăng hơn gấp đôi, đạt gần 1.000 tỷ USD trong năm 2021.
Hệ thống mã QR phát minh vào năm 1994 bởi công ty Denso Wave của Nhật Bản với mục đích theo dõi các phương tiện trong quá trình sản xuất. Hệ thống mã hóa này dần chuyển sang thanh toán trực tuyến ở Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng Trung Quốc là quốc gia ứng dụng công nghệ này thành công nhất.
Xu hướng ăn xin áp dụng mã QR phổ biến tại Trung Quốc từ nhiều năm trước. Nhiều người loại bỏ các vật dụng như lon thiếc, mũ, túi vải để xin tiền ngoài đường phố và bằng các mã code.
Theo báo cáo, những người ăn xin này thường tìm đến các khu vực đông người qua lại. Bất kỳ ai có các ứng dụng như Alipay, WeChat Wallet (hai công ty ví điện tử lớn nhất nước này) đều có thể giao dịch qua mã QR. Và hình ảnh người ăn xin có mã QR cũng trở nên phổ biến.
Các thông kê cũng cho thấy những người ăn xin ở Trung Quốc sử dụng thanh toán di động để tăng cơ hội nhận tiền tại các địa điểm du lịch, ga tàu điện ngầm trên khắp các tỉnh của Trung Quốc. Thậm chí, những người ăn xin có thể kiếm được 4.500 tệ (15 triệu đồng) trong một tuần nhờ phương thức này. Đây là con số nhiều lao động chính thức mơ ước.
Còn với Raju Prasad, ông nói cuộc sống bắt đầu thay đổi, mức thu nhập tăng lên khi biết áp dụng công nghệ.
(Theo WSJ, Indiatvnews, indiatimes)