Tại ngày cuối năm 2021, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) có 18.641 lao động đang làm việc tại công ty mẹ cũng như các công ty thành viên trực thuộc.
Số lao động này thấp hơn 2.525 người so với ngày cuối năm 2019 khi đại dịch COVID-19 chưa bùng phát. Thống kê trên đây cho thấy số lượng lao động của Vietnam Airlines giảm liên tục từ giữa năm 2019 đến cuối năm 2021.
Trong hai năm dịch bệnh vừa qua, Vietnam Airlines đã phải thực hiện nhiều giải pháp để cắt giảm chi phí và hạn chế thua lỗ. Tổng Công ty đã điều chỉnh chính sách sử dụng lao động và chi phí lao động bao gồm chi phí lương của phi công, tiếp viên, lãnh đạo và các bộ phận khác.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mức lương bình quân của phi công Vietnam Airlines chỉ bằng 1/3 so với năm 2019, lương của đội ngũ tiếp viên và cán bộ nhân viên cũng giảm một nửa.
Bên cạnh điều chỉnh chi phí lương lao động, Vietnam Airlines cũng tìm mọi cách để tối thiểu hóa chi phí quản lý chung, chi phí gián tiếp, chi phí quảng cáo, tiếp thị, xúc tiến thương mại, chi phí bán hàng.
Một phần nhờ những biện pháp kể trên, tổng chi phí nhân công của Vietnam Airlines trong năm 2021 chỉ còn 4.365 tỷ đồng, thấp hơn 9% so với năm trước và giảm quá nửa so với năm 2019 khi dịch chưa bùng phát.
Chi phí nhân công giảm xuống còn do hoạt động hàng không ảm đạm trong thời gian phong tỏa chống dịch, số chuyến bay thấp nên các khoản lương, phụ cấp theo giờ bay cũng giảm tương ứng.
Trong năm 2021, Vietnam Airlines Group (bao gồm ba hãng là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) khai thác tổng cộng hơn 59.000 chuyến bay, vẫn dẫn đầu ngành hàng không Việt Nam nhưng giảm tới 64,5% so với trước dịch.
Số chuyến bay của Vietjet Air cũng giảm 71% so với năm 2019, còn chưa đầy 41.000 chuyến trong năm 2021. Biểu đồ bên dưới cho thấy Bamboo Airways là hãng duy nhất có số chuyến bay cao hơn trước dịch, một phần là vì hãng này bắt đầu bay thương mại trong năm 2019 nên nền so sánh tương đối thấp.