Trở lại năm 1930, các nhà quan sát người Đức Arnold Schwassmann và Arno Arthur Wachmann đã phát hiện ra một sao chổi được gọi là 73P / Schwassmann-Wachmann, hay SW3, quay quanh Mặt trời 5,4 năm một lần. Tuy nhiên sự xuất hiện của nó lại quá mờ nhạt, SW3 không được nhìn thấy lại cho đến cuối những năm 1970, dường như khá bình thường cho đến năm 1995, khi các nhà thiên văn nhận ra sao chổi này đã trở nên sáng hơn khoảng 600 lần và chuyển từ một vệt mờ mờ sang có thể nhìn thấy bằng mắt thường trong suốt quá trình di chuyển của nó.
Các nhà thiên văn học, khí tượng học khắp thế giới đang đón đợi một cơn bão sao băng ngoạn mục có thể xảy ra vào đêm 30 hoặc 31-5 (tùy múi giờ). Đó là Tau Herculids, trận mưa sao băng tuyệt đẹp với cường độ gấp 10-20 lần các trận mưa sao băng khác. Trong lần này, mưa sao băng Tau Herculids có thể có cường độ lên tới 1.000 ngôi sao băng mỗi giờ. Đó mà một cường độ rất lớn, bởi các trận mưa sao băng khác thường chỉ có khoảng 15-150 ngôi sao băng mỗi giờ ngay cả trong đêm đỉnh điểm. Vì vậy Tau Herculids năm nay xứng đáng với tên gọi "bão sao băng".
Khi điều tra sâu hơn, các nhà thiên văn nhận ra SW3 đã vỡ ra thành nhiều mảnh, rải rác quỹ đạo của chính nó với các mảnh vụn. Vào thời điểm nó đi qua quỹ đạo hành tinh của Trái Đất vào năm 2006, nó đã có gần 70 mảnh và tiếp tục phân mảnh thêm kể từ đó.
Theo dự đoán, nó sẽ đi qua hành tinh của chúng ta một lần nữa trong năm nay, và các mảnh vỡ từ SW3 sẽ tấn công bầu khí quyển của Trái đất, di chuyển với tốc độ gần 20 km/ giây.
Mưa sao băng Tau Herculids bắt nguồn từ một sao chổi vừa tan vỡ tên 73P/Schwassmann-Wachmann (SW3) mà năm nay Trái Đất sẽ bắt đầu bay qua vùng đá bụi mà nó tạo thành khi vỡ ra cách đây không lâu. Nếu các tính toán là chính xác, các mảnh vụn sẽ va chạm với bầu khí quyển Trái Đất, bốc cháy và tạo nên mưa sao băng - theo cùng cách thức với các trận mưa sao băng khác.
"Đây sẽ là một sự kiện vô cùng đặc biệt. Nếu các mảnh vỡ từ SW3 di chuyển hơn 220 dặm một giờ (321 km/giờ) khi nó tách khỏi sao chổi, chúng ta có thể thấy một trận mưa sao băng tuyệt đẹp. Nếu mảnh vỡ có tốc độ phóng chậm hơn, thì với mắt thường, chúng ta sẽ không cảm nhận được gì và cũng sẽ không có thiên thạch nào rơi ra từ sao chổi này", Bill Cooke, người đứng đầu Văn phòng Môi trường Meteoroid của NASA tại Trung tâm Chuyến bay Vũ trụ Marshall của NASA ở Huntsville, Alabama, cho biết.
Tất cả sự hào hứng đến từ các nhà thiên văn học và công chúng đã làm dấy lên rất nhiều thông tin về mưa sao băng Tau Herculids tau. Và dưới đây là những thông tin đã được các nhà thiên văn học xác nhận:
Vào đêm ngày 30 tháng 5 đến rạng sáng ngày 31 tháng 5, Trái đất sẽ đi qua các vệt mảnh vụn của một sao chổi bị vỡ có tên 73P / Schwassmann-Wachmann, hay SW3.
Sao chổi này đã bị phân mảnh từ năm 1995.
Nếu các mảnh vỡ bị bắn ra với tốc độ lớn hơn hai lần tốc độ bình thường - đủ nhanh để đến Trái đất - chúng ta có thể sẽ được chứng kiến mưa sao băng.
Các quan sát của Spitzer được công bố vào năm 2009 chỉ ra rằng ít nhất một số mảnh vỡ đang di chuyển đủ nhanh.
Nhưng bão sao băng không phải là một sự đảm bảo 100%. Nếu các mảnh vỡ sao chổi di chuyển chậm hơn 321 km/giờ ,"thì sẽ không có gì đến Trái đất và sẽ không có thiên thạch nào từ sao chổi này", NASA cảnh báo. Vì vậy tất cả những gì mọi người trên thế giới có thể làm là chờ đợi. Bắc Bán cầu được cho là phù hợp để quan sát bão sao băng, nếu nó xảy ra.
Những cư dân ở Bắc Mỹ dưới bầu trời quang đãng và tối là những người có cơ hội tốt nhất để nhìn thấy mưa sao băng Tau Herculid. Thời gian mưa sao băng diễn ra mạnh nhất là khoảng 1 giờ sáng ở Bờ Đông hoặc 10 giờ tối ở Bờ Tây (theo giờ địa phương).
Mưa sao băng sẽ có thể nhìn thấy ở Bắc và Trung Mỹ, trong đó các điểm ngắm tối ưu nhất sẽ từ Nam California và Mexico đến Texas, theo The New York Times. Để có điều kiện quan sát tối ưu, hãng tin tức cũng đưa tin rằng đêm 30 tháng 5, khi đó là trăng non, sẽ là thời điểm tốt nhất vì mưa sao băng sẽ không cạnh tranh với ánh trăng về khả năng hiển thị.
Một trận mưa sao băng là một sự kiện thiên thể, trong đó con người quan sát được một số thiên thạch tỏa sáng, hoặc bắt nguồn từ cùng một điểm trên bầu trời đêm. Những thiên thạch này là do các dòng bụi vũ trụ đi vào bầu khí quyển Trái Đất với tốc độ rất cao trên quỹ đạo song song. Các bụi thiên thạch này nhỏ hơn một hạt cát, vì vậy hầu hết chúng đều tan rã và không bao giờ chạm vào bề mặt Trái Đất. Những trận mưa sao băng dữ dội hoặc bất thường được biết đến như những cơn bão sao băng và bão thiên thạch, có thể tạo ra hơn 1.000 thiên thạch mỗi giờ. Trung tâm Dữ liệu Sao băng liệt kê khoảng 600 mưa sao băng còn đang nghi ngờ trong đó khoảng 100 mưa sao băng được khẳng định chính thức.
Mưa sao băng hầu như xuất hiện vào những thời điểm giống nhau trong một năm. Nguyên nhân do các hạt bụi vũ trụ phân bố theo quỹ đạo hình elip và quay quanh Mặt Trời theo chu kì nhất định. Nếu quỹ đạo của Trái Đất cắt ngang quỹ đạo của một đám bụi vũ trụ nào đó thì it nhất mỗi năm vào đúng thời điểm nhất định, Trái Đất sẽ một lần xuyên qua lớp bụi vũ trụ đó và xảy ra hiện tượng mưa sao băng trong thời gian đó.
Khi Trái Đất bay vào vùng có nhiều thiên thạch thì sẽ thường xuyên xảy ra hiện tượng mưa sao băng hơn.