Theo ghi nhận phóng viên Báo Người Lao Động, ngày 22-3, tại Ngân hàng (NH) TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng là 8,6%/năm, các kỳ hạn 9 và 12 tháng lần lượt 8,7% và 8,8%/năm. Lãi suất tiết kiệm thông thường kỳ hạn từ 6 tháng trở lên ở NH này đã giảm 0,4 điểm % so với trước ngày 17-3.
Gió đã đổi chiều
Xu hướng giảm lãi suất huy động đã diễn ra mạnh mẽ trong khoảng 2 tháng qua và đang tiếp diễn. Indovina Bank - một NH liên doanh nước ngoài - cũng giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng xuống 8,6%/năm, kỳ hạn 24 tháng xuống 8,8%/năm. Vài ngày trước, nhiều NH thương mại như VPBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, Eximbank, OCB, Nam A Bank... cũng giảm lãi suất đầu vào.
Tại NH Bản Việt, từ đầu năm đến nay đã có 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi với mức giảm 0,2-0,5 điểm % tùy đợt và tùy sản phẩm tiền gửi. Tổng mức giảm lãi suất huy động qua các đợt điều chỉnh là 1-2 điểm %. Hiện mức lãi suất cao nhất niêm yết tại NH này là 9%/năm cho kỳ hạn trên 36 tháng. "Những lần điều chỉnh này đều bám sát định hướng của Hiệp hội NH Việt Nam và NH Nhà nước về lộ trình giảm chi phí vốn để giảm lãi suất vay" - đại diện NH Bản Việt nói.
Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm nhanh, doanh nghiệp đang trông chờ giảm lãi suất cho vay. Ảnh: BÌNH AN
Động thái giảm lãi suất huy động nhanh và mạnh trong thời gian ngắn được kỳ vọng góp phần tạo dư địa giảm lãi suất cho vay. Dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên, lãi suất cho vay vẫn chưa giảm như kỳ vọng. Với lãi suất cho vay vẫn ở mức khá cao, cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp (DN) đều ngại vay mới trong bối cảnh thị trường yếu, rủi ro cao. Nhiều ý kiến nhận xét rằng "gió đã đổi chiều" khi NH thay vì eo hẹp hạn mức (room) tín dụng như thời điểm cuối năm ngoái thì hiện đang xoay xở tìm khách hàng tốt để đẩy vốn tín dụng.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng nhìn nhận lãi suất cho vay còn cao đang là rào cản để vốn tín dụng chảy ra thị trường. Lãi suất cao khiến khách hàng không muốn vay và khó sản xuất - kinh doanh hiệu quả.
Ngân hàng chật vật tìm đầu ra
Anh Việt Linh, nhân viên tín dụng khách hàng cá nhân của Eximbank, cho biết trong 3 tháng đầu năm nay, anh chỉ tìm được 5 khách hàng với mức giải ngân vài tỉ đồng. Theo anh, nguyên nhân chủ yếu khiến khách giảm vay mới là do lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức 12,5%-14%/năm. Người có nhu cầu vay mua nhà, mua phương tiện đi lại... còn ngại lãi suất tăng thêm hoặc duy trì lâu ở mức cao.
Giám đốc một chi nhánh của NH Eximbank ở TP HCM than doanh thu của DN sản xuất sụt giảm nên nhu cầu vay vốn giảm, thậm chí có DN đã trả bớt vốn vay vì sức tiêu thụ giảm. Trong hơn 2 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của chi nhánh giảm đến 30% so với cùng năm trước.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội và TP HCM đạt lần lượt 2% và 0,4% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái. Với quy mô tín dụng ở 2 thành phố lớn này chiếm hơn 50% tổng quy mô tín dụng nền kinh tế, VDSC ước tính tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 2-2023 chỉ đạt khoảng 1,1%, thấp hơn mức 2,7% cùng kỳ năm 2022.
Lãnh đạo NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho hay khoảng 2 năm trước, khách hàng cá nhân tập trung vay tiền để "lướt sóng" nhà đất. Đến nay, lãi suất cho vay tăng lên vì đã hết thời gian ưu đãi trong khi thị trường bất động sản đóng băng, họ đang rơi vào khó khăn. Với bài học này, khách hàng mới không dám vay tiền mua nhà để đầu tư hay "lướt sóng" dù NH cho vay với lãi suất 10,4%/năm cố định trong 18 tháng đầu. "Để mở rộng đầu ra, chúng tôi đang tập trung 100.000 tỉ đồng cho vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất - kinh doanh với lãi suất 7,5%-8,6%/năm đối với các khoản vay dưới 3 tháng đến dưới 12 tháng" - lãnh đạo Vietcombank cho biết thêm.
Một số NH khác đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng ưu đãi hoặc giảm lãi suất để kích thích nhu cầu. Chẳng hạn, NH TMCP Quốc Tế (VIB) vừa công bố chương trình giảm 2 điểm % lãi suất cho khách hàng vay kinh doanh, xuống mức từ 9,5%/năm khi vay bổ sung vốn lưu động. NH Bản Việt có gói ưu đãi 8.000 tỉ cho khách hàng DN và cá nhân giải ngân mới hoặc giải ngân tái cấp với mức giảm từ 0,5 đến 1 điểm %/năm...
Ngân hàng cam kết giảm lãi vay
Trong khi NH khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng chất lượng để "gửi gắm" dòng vốn thì DN vừa gặp khó vì lãi suất cao vừa không dễ đáp ứng điều kiện tín dụng của NH. Thực tế này được các DN phản ánh tại hội nghị kết nối NH và DN do UBND tỉnh Bình Dương và NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Dương tổ chức ngày 22-3.
Ông Lê Như Thạch - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương - phản ánh NH yêu cầu DN bổ sung tài sản thế chấp mới giải ngân tiếp hoặc vay gói mới trong khi tài sản có được hầu hết đã được bảo đảm cho các khoản vay trước. Nếu DN vay tín chấp, đòi hỏi phải có phương án tốt nhưng trong hoàn cảnh sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, rất khó để đáp ứng được tiêu chí cho vay của các NH.
Nhiều DN cho rằng dù NH Nhà nước đã giảm các mức lãi suất điều hành nhưng đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay vẫn chưa được điều chỉnh và còn duy trì ở mức cao.
Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Dương, cho biết để hỗ trợ DN, cuối tháng 3-2023, tất cả NH trên địa bàn tỉnh sẽ đồng loạt giảm lãi suất 0,5 điểm % so với hiện tại. Trong quý II/2023, cố gắng giảm lãi suất 1-1,5 điểm %.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết ngành NH trên địa bàn đang đẩy mạnh chương trình kết nối NH và DN nhằm hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng tốt hơn. Năm 2023, có 20 thương hiệu NH đăng ký gói tín dụng ưu đãi qua chương trình kết nối với quy mô đạt 453.070 tỉ đồng, tăng 4% so với gói tín dụng của năm ngoái.
"Nếu so với tổng huy động vốn, quy mô gói tín dụng ưu đãi của các NH trên địa bàn đăng ký cho chương trình kết nối NH và DN năm nay chiếm khoảng 14%. Việc đăng ký gói tín dụng và giải ngân gói tín dụng thông qua chương trình kết nối NH - DN có ý nghĩa thiết thực bởi gắn liền với chính sách ưu đãi tín dụng của NH Nhà nước và chính sách tín dụng đối với khách hàng của tổ chức tín dụng" - ông Nguyễn Đức Lệnh nói.
Hài hòa các chính sách
Lãnh đạo NH Nhà nước cho biết ngành NH luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cần phải đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, bộ, ngành, hiệp hội và DN. Để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, NH Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn cho DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn; yêu cầu tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý...