Spring Hill (trường đồi) thuộc địa phận huyện Quốc Oai, Hà Nội. Học sinh từ 2-13 tuổi phải đi xe buýt ít nhất 80km (cả đi và về) mỗi ngày để đến lớp. Để kịp 8 giờ sáng có mặt ở trường đón học sinh ở nhiều điểm trung chuyển, thường xe buýt sẽ phải xuất phát ở điểm đầu tiên từ khoảng hơn 6 giờ.
Ảnh: Internet
Học từ trải nghiệm thực tế
Nằm trải khắp trên một quả đồi, học sinh phải leo dốc lên lớp. Với học sinh trường đồi, dốc không chỉ là con đường quen thuộc, mà còn là nơi các em phải bắt buộc đi 3 vòng lên xuống mỗi chiều.
Ảnh: Internet
Trong 5 ngày học ở trường, một ngày, học sinh không học kiến thức trong sách vở, mà trải nghiệm cuộc sống. Buổi sáng, giáo viên sẽ dạy theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Chiều trẻ từ 4 tuổi học tiếng Anh và các môn học phổ thông theo chương trình home school của Mỹ.
Đến cấp hai, học sinh sẽ được phân theo 2 hướng, học tiếp chương trình Việt Nam bổ sung home school hoặc hoàn toàn theo chương trình home school để lấy bằng cấp ba của Mỹ.
Với mức học phí tương đương với một số trường VIP ở nội thành Hà Nội, trong khi trường ở Hà Nội, học sinh được chăm sóc từ lúc bước vào cổng. Còn ở trường đồi, học sinh sẽ xuống đi cấy, gặt, lội bùn, tự trồng cây, chăn nuôi để học các môn học.
Ảnh: Internet
Vào ngày không học kiến thức, thay vì phải đi bộ 10 vòng dốc từ cổng trường đến nhà ăn (tương đương khoảng 2km), các em sẽ ra khu thể chất để chạy nhảy, trải nghiệm và vui chơi.
Thay vì phải qua sách vở hay video, các em học sinh có thể được quan sát trực tiếp quá trình gà đẻ trứng. Nhóm khác có thể tự nghiệm thu dự án trồng cây hay thu hoạch rau, muối sung, đan thảm sản, làm thẻ flashcard... để bán trên nhóm trường. Số tiền thu được, một phần được tái đầu tư cho các dự án tiếp theo, một phần sẽ được "trả lương" cho các em tùy theo công sức mà từng em bỏ ra, và một phần phục vụ công tác cộng đồng.
Sau khi thực hành và tự tìm hiểu những kiến thức bằng cách tự tay mình làm, quan sát, nhóm học sinh sẽ bắt được vận động theo sở thích như nhảy dây, đá bóng, nhóm khác thì bắt côn trùng.
Ảnh: Internet
Các em khác có thể kéo nhau đi lội suối để bắt cua, nhện nước quan sát hay xếp sỏi để tìm hiểu về sự thay đổi của dòng nước. Người lớn luôn có xu hướng bao bọc trẻ, nhìn thấy chút lóng ngóng vụng về lập tức làm hộ cho nhanh. Song trẻ em ở trường đồi được thầy cô trao cho tất cả cơ hội được xoay xở, khám phá theo ý mình.
Các em phải tự xoay xở cởi giày dép nếu muốn lội suối, gửi bạn hay thầy cô giữ dùm đồ hoặc để đồ cá nhân lên vị trí gọn gàng, sạch sẽ để yên tâm vui chơi. Những bài học rút ra từ thực tế có lẽ hơn bất cứ lời khuyên bảo nặng về lý thuyết nào.
Trừ cá biển, thực phẩm trong trường đều được nuôi, trồng quanh đồi và lấy từ nông trại do trường quản lý. Trẻ ăn uống thuận tự nhiên, không dùng sữa công thức, thay vào đó là sữa hạt hoặc nước ép từ hoa quả tươi.
Học sinh là những đứa trẻ hạnh phúc
Chia sẻ với Trí thức trẻ, thầy Quang, người sáng lập Spring Hill cho biết hướng giáo dục của trường là phát triển những giá trị riêng của từng học sinh. Thay vì áp dụng một chuẩn chung cho tất cả học sinh, các thầy cô sẽ trò chuyện, quan sát để hiểu rõ tính cách, thế mạnh, điểm yếu của từng em, từ đó có sự dẫn dắt phù hợp. "Mỗi thầy cô trong trường là một nhà giáo dục, chứ không chỉ là một giáo viên đơn thuần. Quan trọng hơn việc dạy, nhà giáo dục khơi gợi để mỗi học sinh nỗ lực hơn, khắc phục những điểm yếu mình đang có", thầy Quang chia sẻ.
Ảnh: Internet
Cũng theo đó, tiêu chí phát triển của học sinh chú trọng vào ba yếu tố: Thể lực khỏe mạnh, tư duy tích cực và phát triển tính nhân văn. Kết quả học tập thì đặt mục tiêu đạt chuẩn, không cần phải có điểm số cao.
Thầy Quang cũng cho biết, trong trường có một số học sinh đặc biệt như trẻ tăng động, có thiên hướng trầm cảm hoặc tự kỷ. Tuy nhiên, tại trường đồi, tất cả các bạn đều phát triển tốt như nhau, không có sự khác biệt hay thua kém giữa học sinh thường và học sinh đặc biệt.
Tổng hợp