Doanh nghiệp

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều thiếu sót, bất cập tại Tổng cục Đường bộ

Tại kết luận kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đường bộ giai đoạn 2019 - 2020, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thông tin, trên cơ sở kế hoạch bảo trì được Bộ GTVT phê duyệt là 25,42 tỷ đồng và thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước bố trí cho công tác quản lý bảo trì hệ thống quốc lộ là 19,43 tỷ đồng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tập trung chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư: 4 Cục Quản lý đường bộ (QLĐB), 51 Sở GTVT và 4 Ban quản lý dự án, triển khai công tác bảo trì quốc lộ theo nhiệm vụ được giao.

Trong giai đoạn 2019 - 2020, khối lượng thi công hiện trường đã cơ bản hoàn thành toàn bộ theo kế hoạch của Tổng cục Đường bộ và công tác giải ngân đạt 97,72% (18,99 tỷ đồng) vốn được giao. Cụ thể, năm 2019, tỷ lệ giải ngân đạt 96,41% và năm 2020 đạt 98,94%.

Tuy nhiên, KTNN cũng chỉ ra nhiều thiếu sót, bất cập của Tổng cục Đường bộ và các đơn vị trong công tác nghiệm thu, thanh quyết toán,...

Trong đó có nguyên nhân do Cục QLĐB I xác định cấp địa hình khảo sát không đúng quy định tại Thông tư số 10/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng; Cục QLĐB II thiếu Biên bản xác nhận khối lượng “Hót đất tràn lấp mặt đường” phát sinh và thiếu ảnh chụp hiện trường theo quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT.

Trong nghiệm thu, thanh quyết toán, tình trạng chậm nộp báo cáo quyết toán vẫn diễn ra phổ biến. Cụ thể, Tổng cục Đường bộ lập và gửi Báo cáo quyết toán nguồn kinh phí bảo trì đường bộ chậm, năm 2019 chậm 10 ngày và năm 2020 chậm 1,5 tháng so với quy định của Bộ GTVT.

Chủ đầu tư và cấp có thẩm quyền chậm lập, trình, thẩm tra, phê duyệt báo cáo quyết toán công trình hoàn thành so với quy định của Bộ Tài chính về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước (đối với dự án nhóm C, thời gian thẩm tra quyết toán dự án là 3 tháng, phê duyệt 15 ngày). Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục giải trình, bổ sung hồ sơ của các đơn vị ở xa trên 60 tỉnh, thành. Trong đó, Sở GTVT Thanh Hóa có 4 công trình chậm 7 tháng, 1 công trình chậm 19 tháng. Cục QLĐB I năm 2019 có 71/74 công trình do Cục làm chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ quyết toán, 55/74 công trình phê duyệt quyết toán chậm so với quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BTC. Năm 2020, có 72/84 công trình do Cục làm chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ quyết toán, 52/84 công trình phê duyệt quyết toán chậm.

Tại Sở GTVT Điện Biên, công trình xử lý điểm đen tai nạn giao thông Km438+720, Km439+380, Km440+100 - Quốc lộ 6 đã nghiệm thu hoàn thành ngày 29/4/2020 nhưng lập báo cáo quyết toán hoàn thành công trình ngày 20/8/2021, chậm khoảng 11 tháng.

KTNN cũng chỉ ra rằng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chậm thẩm tra, phê duyệt quyết toán hoàn thành công trình Sửa chữa nền, mặt đường và công trình trên Quốc lộ 1 đoạn Km236+150 - Km251+600 (tỉnh Hà Nam) 9 tháng; chậm thẩm tra, phê duyệt quyết toán hoàn thành công trình Sửa chữa nền, mặt đường và rãnh thoát nước đoạn Km108 - Km111+812 Quốc lộ 2 (tỉnh Phú Thọ) là 2 tháng…

Đến thời điểm kiểm toán (tháng 11/2021), một số đơn vị chưa nộp ngân sách nhà nước theo Biên bản quyết toán năm 2020 số tiền 13,3 tỷ đồng. Sở GTVT Điện Biên chưa xem xét thực hiện thủ tục thu hồi, nộp khác số tiền gần 172 triệu đồng. Một số đơn vị chưa thu hồi nộp ngân sách nhà nước 835 triệu đồng đối với các công trình đã được giảm trừ khi phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, như: Cục QLĐB I hơn 339 triệu đồng, Sở GTVT Thanh Hóa 33,5 triệu đồng và Sở GTVT Nghệ An hơn 462 triệu đồng.

Khi tổ chức nghiệm thu, thanh quyết toán, nội dung báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất của công tác quản lý đường, quản lý cầu tại một số đơn vị không được xây dựng vào công việc nghiệm thu, nghiệm thu xây dựng mức điểm đánh giá tối đa cao hơn quy định của Bộ GTVT.

Công tác nghiệm thu, thanh quyết toán tại các công trình còn tính trùng, tính thừa khối lượng, đơn giá, định mức từ bước lập dự toán, khi ký kết hợp đồng cũng chưa được phát hiện nên qua kiểm toán đã giảm trừ hàng tỷ đồng. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra tuy được thực hiện thường xuyên nhưng còn một số tồn tại làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí tại các đơn vị.

Tuy việc kiểm tra, thanh tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, kịp thời, nhưng hồ sơ giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, hồ sơ mời thầu, hợp đồng với nhà thầu; chủ đầu tư tiến hành nghiệm thu khi áp chưa đúng đơn giá… còn nhiều bất cập, làm giảm hiệu quả của việc sử dụng nguồn kinh phí chi cho các hoạt động kinh tế đường bộ tại các đơn vị.

Trên cơ sở đó, KTNN kiến nghị xử lý tài chính số tiền hơn 6 tỷ đồng đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan, trong đó thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 2,4 tỷ đồng; giảm thanh toán gần 282 triệu đồng và giảm giá trị hợp đồng hơn 3,35 tỷ đồng.

KTNN còn kiến nghị xử lý khác số tiền hơn 2,88 tỷ đồng, trong đó giảm giá trị hợp đồng 2,54 tỷ đồng và yêu cầu Tổng cục Đường bộ kiểm tra, rà soát, xử lý theo quy định tại Cục QLĐB I số tiền 320 triệu đồng, tại Cục Quản lý đường bộ II số tiền 17,13 tỷ đồng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần khẩn trương đôn đốc các đơn vị nộp ngân sách nhà nước theo Biên bản quyết toán năm 2020 số tiền 13,3 tỷ đồng và chấn chỉnh tình trạng chậm thẩm tra, phê duyệt quyết toán hoàn thành công trình.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm