Dinh dưỡng

Nghiên cứu của Havard: Mỗi ngày uống 1 ly nước trái cây, dễ... tăng cân

Một nghiên cứu vừa được công bố hôm 16-1 trên tạp chí JAMA Pediatrics, dựa trên bộ dữ liệu khổng lồ của hơn 45.000 trẻ em và hơn 268.000 người lớn, đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc tăng cân và thói quen uống mỗi ngày ít nhất 1 ly nước ép trái cây.

Uống nước ép trái cây hàng ngày không tốt cho sức khỏe như bạn tưởng - Ảnh minh họa từ Internet

Uống nước ép trái cây hàng ngày không tốt cho sức khỏe như bạn tưởng - Ảnh minh họa từ Internet

Với 1 ly nước trái cây loại "lành mạnh nhất", tức nước ép nguyên chất 100%, không cho thêm đường hay bất cứ thứ gì khác, chỉ số khối cơ thể (BMI) vẫn tăng khoảng 0,03 đối với trẻ em và 0,02 đối với người lớn, so với người không uống.

Tất nhiên tác động tăng cân sẽ rõ ràng hơn nếu bạn cho thêm đường vào thức uống.

Đài CNN dẫn lời GS-TS Walter Williett từ Trường Y tế công cộng Havard TH Chan (Mỹ), đồng tác giả, giải thích rằng việc uống nhiều nước trái cây có thể khiến bạn bị "quá liều".

"Ví dụ, bạn có thường xuyên ăn 3 quả cam cùng lúc không? Trong khi 1 ly nước cam nguyên chất tương đương 3 quả cam có thể uống hết trong vòng 2 phút, và chúng ta có thể uống thêm 1 ly nữa" - GS Willett ví dụ.

Điều này dẫn đến việc bạn đã bổ sung quá nhiều calo từ nước cam, dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến.

Vì vậy, việc uống quá nhiều nước trái cây không chỉ dễ khiến bạn dư calo mà còn làm tăng nguy cơ kháng insulin, hội chứng chuyển hóa, bệnh tiểu đường, bệnh tim, béo phì và các tình trạng mạn tính khác.

Ngoài ra, toàn bộ trái cây hay rau quả chứa cả carbohydrate, protein, chất béo, khoáng chất và vitamin, chất xơ.

Việc lấy mất chất xơ từ quá trình ép sẽ khiến chúng ta chỉ nhận được những thứ khác và lại nhận quá mức cần thiết. Do uống nước ép vài quả táo sẽ không làm bạn no như việc chỉ ăn 1 quả.

Dùng dưới dạng nước ép cũng khiến đường fructose có trong nhiều loại rau và trái cây được giải phóng quá nhanh và quá nhiều vào máu.

Ngoài ra, đồng tác giả Vasanti Malik, cũng từ Trường Y tế công cộng Havard TH Chan, cho biết khi bạn tiêu thụ calo ở dạng rắn, cơ thể bạn sẽ ghi nhận tốt hơn và điều chỉnh cơn đói phù hợp.

Nếu bạn uống lượng calo đó, cảm giác no có thể không được phát ra đúng mức cần thiết.

Nghiên cứu cũng có sự tham gia của các nhà khoa học từ Đại học Toronto, Bệnh viện St Michael (Canada), Trường Y khoa Havard và Bệnh viện Brigham and Women (Mỹ).

Trước đó, do lo ngại về tỉ lệ béo phì ở trẻ em, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyên các bậc phụ huynh tránh cho trẻ dưới 1 tuổi uống nước trái cây. Với trẻ 1-3 tuổi, uống không quá 118 ml/ngày. Với trẻ 4-6 tuổi, không quá 177 ml/ngày.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm