Dưa hấu là loài cây thân thảo thuộc họ bầu bí, mọc bò trên mặt đất, lá to cuống dài, có ít lông. Quả to, thịt trắng, đỏ hay vàng.
Quả dưa hấu rất nhiều nước, giàu các vitamin như A, C và các hợp chất thực vật khác tốt cho sức khỏe. Ngoài ăn trực tiếp, có thể làm một số món ăn ngon từ dưa hấu như kem, thạch, sữa chua, mứt... Đồng thời, trái cây này cũng là một vị thuốc Đông y chữa nhiều bệnh.
Bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, nói theo y học cổ truyền, quả dưa hấu có vị ngọt, tính mát, công dụng làm giảm say nắng, tránh phiền nhiệt, hạ khí, lợi tiểu tiện, hạ huyết áp. Ngoài ra, dưa hấy có thể là vị thuốc chữa nóng bàng quang, huyết áp cao, tiểu gắt buốt, viêm thận, phù thũng, vàng da, tiểu đường, say rượu, cảm sốt, viêm họng.
Vỏ quả dưa hấu có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng giảm nhiệt, lợi tiểu tiện, chữa sốt, khát nước, đi tiểu ít, tiểu gắt buốt, phù thũng, miệng lưỡi sưng lở.
Hạt dưa hấu có vị ngọt, tính lạnh có tác dụng hạ huyết áp, tăng sinh lực, chữa đau lưng, phụ nữ kinh nguyệt nhiều, trị giun sán.
Một số phương thuốc ứng dụng từ dưa hấu
Chữa tiểu buốt
Quả dưa hấu 100 g và lá diếp cá 30 g. Quả dưa hấu bỏ vỏ, cả hai vị thuốc đem giã nhỏ ép lấy nước. Mỗi ngày uống 2-3 lần.
Chữa tiêu hóa kém
Vỏ quả dưa hấu 30 g, trần bì 10 g, sơn trà 8 g, gừng tươi 4 g. Các vị thuốc đem sao khô, cho vào sắc còn khoảng 150 ml nước thuốc, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Chữa rong kinh
Hạt dưa hấu 100 g, ngải cứu 100 g, bẹ móc 100 g. Hạt dưa hấu sao thơm, còn ngải cứu, bẹ móc sao cháy tất cả, tán bột mịn, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 10 g với nước sôi để nguội.