EQ tác động đến thu nhập như thế nào?
Trong công việc, chúng ta luôn nỗ lực phát triển bản thân và phấn đấu đạt được thành tích đáng kể. Nhưng trong giới kinh doanh, mọi người thường bị cuốn vào guồng quay của công việc mà quên đi mất nội tại bên trong. Tất cả những phát hiện đó được rút ra từ một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hành Vi Tổ Chức.
EQ là khả năng nhận biết và quản lý chính xác cảm xúc của bạn trong khi kết nối với người khác ở mức độ cảm xúc. EQ là điều cần thiết nếu chúng ta muốn xây dựng các mối quan hệ thành công trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống. Tassilo Momm và Gerhard Blickle đã tiến hành nghiên cứu về chủ đề này tại Đại học Bonn. Họ đi đến kết luận rằng những nhân viên sở hữu EQ cao thường có khả năng đọc được cảm xúc và tâm trạng của đồng nghiệp hơn những nhân viên có EQ thấp. Điều này cho phép họ kết nối tình cảm với người khác và có thu nhập cao hơn trong công việc.
Kết luận của Tassilo Momm và Gerhard Blickle cũng tương đồng với đa phần nghiên cứu khác, rằng những nhân viên sở hữu trí tuệ cảm xúc cao có xu hướng kiếm được nhiều tiền hơn, bất chấp các yếu tố như giới tính, tuổi tác, giờ làm việc và vị trí làm việc.
Ảnh minh họa: The New York Times
Nhà tâm lý học người Mỹ - Daniel Goleman, cũng chỉ ra rằng EQ quan trọng không kém IQ. Theo giải thích của ông, khả năng kiểm soát cảm xúc của chính mình và nhận ra cảm xúc của người khác, đặc trưng cho trí thông minh thậm chí còn chính xác hơn cả bài kiểm tra IQ.
Nhân viên có chỉ số EQ cao sẽ hiệu quả hơn khi phải đối mặt với các tình huống căng thẳng tại nơi làm việc. Điều này là do những người có EQ cao có thể điều chỉnh cảm xúc và hành vi của mình để phù với từng hoàn cảnh. Trong những lúc khó khăn, sự linh động là điều quan trọng hơn cả. Chưa dừng lại ở đó, khéo léo quản lý cảm xúc đặc biệt quan trọng đối với người ở cấp bậc lãnh đạo. Trí thông minh cảm xúc cao cho phép người quản lý hiểu cách người khác nhìn nhận về bản thân mình, nhận ra cảm xúc của cấp dưới và từ đó quản lý xung đột một cách hiệu quả.
EQ tác động đến công việc như thế nào?
EQ đang dần trở nên phổ biến trong cả lĩnh vực kinh doanh và cơ quan nhà nước. Ví dụ, Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã sử dụng bảng câu hỏi EQ-I để tìm kiếm các nhà tuyển dụng tài năng về cơ quan của mình. Họ phát hiện ra rằng những nhà tuyển dụng thành công thường sẽ có trí tuệ cảm xúc cao thông qua việc thể hiện sự đồng cảm và tự nhận thức về cảm xúc. Ngoài ra, lực lượng này cũng thấy rằng các nhà tuyển dụng sở hữu EQ cao có khả năng dự đoán thành công của nhân viên trong tương lai cao gấp ba lần. Bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của EQ, Lực lượng Không quân đã có thể tiết kiệm được 3 triệu đô la hàng năm.
Ảnh minh họa: The New York Times
Khi áp dụng chỉ số EQ vào việc kinh doanh, các tập đoàn lớn cũng được hưởng lợi rất nhiều. Chẳng hạn, khi bộ phận bảo hiểm nhân thọ tại American Express bắt đầu gặp khó khăn về tài chính, một nhóm chuyên gia đặc biệt đã được thuê về để phát hiện vấn đề. Họ nhận thấy rằng nguyên nhân khiến doanh số bán hàng giảm mạnh một phần là do thiếu sự giao tiếp hiệu quả giữa các cố vấn tài chính và khách hàng tiềm năng. Vậy nên, các cấp quản lý của American Express đã quyết định triển khai chương trình đào tạo năng lực cảm xúc cho nhân viên của mình. Sau đó, gần 90% nhân viên của công ty đã cải thiện hiệu suốt công việc.
Cách phát triển trí tuệ cảm xúc
Bạn có thể cải thiện trí tuệ cảm xúc bắt đầu bằng cách tự kiểm tra để xác định EQ hiện tại của mình. Đương nhiên, không có công thức kỳ diệu nào giúp cải thiện chỉ số EQ chỉ sau một đêm cả, muốn cải thiện chỉ số này, chúng ta cần một quá trình rèn luyện chăm chỉ, bền bỉ mỗi ngày.
Cụ thể, bước đầu tiên là học cách lắng nghe cảm xúc của bạn và cảm nhận được cảm xúc của người khác. Bước thứ hai là thực hành nhận ra nguyên nhân dẫn đến những cảm xúc của bản thân cũng như của những người xung quanh.
Bạn cũng có thể:
- Đọc nhiều sách: Hơn 90% những người thành công hàng đầu trong kinh doanh có trí tuệ cảm xúc trên mức trung bình. Nhiều người trong số họ đã viết sách để chia sẻ kinh nghiệm và cách phát triển EQ của mình. Đọc và tìm hiểu về con đường dẫn đến thành công của ai đó có thể giúp bạn đi đúng hướng và nhanh chóng hơn.
- Thực hành sự đồng cảm: Thực hiện điều này trong giao tiếp hàng ngày của bạn với đồng nghiệp, bạn bè và gia đình. Lắng nghe những gì đang được nói. Sau đó lùi lại một bước và nghĩ xem họ đang nghĩ gì và cảm thấy thế nào.
- Tham gia các buổi huấn luyện hoặc tư vấn: Có thể khó cải thiện mức độ EQ khi bạn không biết liệu mình có đang tiến bộ hay không. Do đó, việc trò chuyện với một huấn luyện viên hoặc cố vấn có thể giúp đỡ về vấn đề này là vô cùng quan trọng. Có ai đó sát cánh cùng bản thân trong hành trình hoàn thiện bản thân khiến mọi thứ trở nên dễ dàng và bổ ích hơn.
Ảnh minh họa: The New York Times
Theo Blog