Vài ngày trước tôi có đưa con gái tới một cửa hàng đồ chơi, ở đó tôi bất ngờ bắt gặp một cảnh tượng như này.
Một người mẹ trẻ tay cầm món đồ chơi Ultraman, trước mặt cậu con trai, cô ấy trách móc người chồng:
"Cả ngày chỉ biết mua mấy thứ đồ vô dụng này cho con, ở nhà còn cả đống kia kìa, anh hết chỗ để tiêu tiền rồi đúng không?"
Mọi người xung quanh đó ai cũng ngoảnh đầu nhìn lại theo dõi sự việc.
Người mẹ vô cùng tức giận, người cha thì khom người, mặt không biểu cảm.
Mặc dù không biết chuyện gì xảy ra giữa đôi vợ chồng, người chồng phạm sai lầm lớn ra sao, nhưng những lời mắng mỏ không thương tiếc của người mẹ khiến tôi nhìn thấy được cảnh tượng xót xa của biết bao gia đình.
Trong mắt trẻ thơ, cách mà cha mẹ chúng chung sống với nhau không nên mang bộ dạng như thế này.
Có thể bố mẹ cảm thấy việc công kích và đổ lỗi cho nhau trước mặt con cái là không vấn đề gì, nhưng thực tế thì tác hại của hành vi này lại ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của trẻ.
01
Trong một chương trình truyền hình thực tế về giáo dục con cái của nước ngoài, cũng có một cặp cha mẹ giống với cặp vợ chồng trẻ kể trên.
Người mẹ nóng tính, có yêu cầu rất cao với con trai, thấy con trai đánh đàn không tốt, không kìm được lập tức lớn tiếng.
Chỉ cần mẹ hơi nghiêm khắc một chút, bố sẽ đứng ra, vừa giúp con trai giải vây, vừa "phê bình" vợ: "Con còn nhỏ, em không nên ép nó như thế."
Người mẹ nghe xong càng tức giận hơn, trừng mắt lớn tiếng: "Anh có thể đừng nói gì nữa được không?"
Những tình huống như vậy không chỉ mới xảy ra có một lần.
Con trai mượn cớ ra khỏi phòng thư giãn một chút, người cha thấy không có gì to tát, còn cùng con chơi điện thoại, cười đùa vui vẻ.
Rất nhanh sau đó, cậu con trai bị phạt úp mặt vào tường, nguyên nhân là bởi nói dối mẹ, khiến mẹ tức giận.
Thấy bố chuẩn bị bênh con, người mẹ liếc mắt về phía chồng: "Anh để im cho em dạy con được không?"
Thực ra, cách làm của cặp cha mẹ này trông thì có vẻ như là vì con, một người mong con kỉ luật, không lơ là chuyện học hành; một người lại không muốn con mệt, có thể nghỉ ngơi sẽ cho nghỉ ngơi.
Nhưng cách cả hai công kích lẫn nhau, chỉ trách cái "không hay" của đối phương, lại đang âm thầm làm tổn thương sâu sắc trái tim mong manh của những đứa trẻ.
Trong không khí gia đình "bất hòa", trẻ sẽ cảm thấy hoang mang, lo sợ và cảm thấy bị chia cắt.
Rõ ràng là cha mẹ "tranh luận" với nhau, nhưng nguyên nhân của cuộc "tranh luận" ấy là con cái.
Cuối cùng, cũng chính con cái là người chịu 10.000 vết thương.
Nếu bạn luôn cảm thấy rằng mình đang làm đúng, trước mặt con mắng mỏ đối phương, "lật tẩy" đối phương không thương tiếc, thì đây thực ra là một trận sấm sét tiềm ẩn trong gia đình, nó có thể phát nổ bất cứ lúc nào, và đó là mối nguy hiểm tiềm ẩn lớn đối với sự trưởng thành của trẻ nhỏ.
02
Có một người từng đặt ra một câu hỏi như này:
"Tốt nghiệp nhiều năm, tôi thà làm việc ở chỗ xa nhà, lễ tết cũng không muốn về nhà đối mặt với bố mẹ, có phải tôi rất bất hiếu không?"
Từ chia sẻ của anh ấy, tôi phát hiện ra, thì ra anh ấy có bố mẹ thích mắng mỏ, nói xấu nhau.
Hồi nhỏ, chỉ cần bố dẫn đi chơi về muộn là mẹ "mắng mỏ" bố, tức giận cho rằng tính ham chơi của bố sẽ làm hư con.
Mẹ thậm chí còn phàn nàn rằng chồng kiếm được ít tiền, không biết tìm một công việc tốt có thể nuôi sống gia đình như những người hàng xóm xung quanh.
Mặc dù trước mặt mẹ bố thường nhẫn nhịn, nhưng khi chỉ có hai bố con với nhau, bố anh vẫn luôn nói với anh:
"Đừng nghe mẹ con, học hành không nhiều mà suốt ngày chỉ huy như tổng tư lệnh.
Bố tốt tính không tính toán với mẹ con, con đừng chuyện gì cũng nói với mẹ, nói với bố là được rồi."
Trong một khoảng thời gian, anh thực sự không thể chịu đựng được tính cách của mẹ, thử đứng về phe bố.
Nhưng ngẫm lại thì mới thấy bố thật sự không đáng tin cậy như lời mẹ nói, dù chỉ một chuyện nhỏ cũng không giải quyết được.
Rốt cuộc là nên tin ai? Nên chọn ai?
Vấn đề "chọn một trong hai" này đã trở thành một bài toán khó với anh trong suốt quá trình trưởng thành.
Dù rất muốn tôn trọng bố mẹ và hiểu hoàn cảnh của họ, nhưng khi nghĩ đến những nhận xét tiêu cực của họ về nhau, trong lòng anh bất giác dấy lên một dấu chấm hỏi, thật khó để chọn tin tưởng bên nào.
Cũng chính vì vậy mà sau này khi đi làm, anh ấy luôn hoài nghi đồng nghiệp và bạn bè xung quanh mình, không biết họ có chân thành với mình hay không, cũng không thể mở lòng hoàn toàn để hòa đồng với người khác.
Người ta nói rằng thái độ của cha mẹ đối với nửa kia ẩn chứa định hướng cuộc sống trong tương lai của đứa trẻ.
Sự thiếu tôn trọng của một trong hai bên đối với nửa kia nhất định sẽ hủy hoại uy tín của cha mẹ trong lòng đứa trẻ.
Khi một đứa trẻ mất đi sự tôn trọng và ngưỡng mộ đối với cha mẹ của mình, ý thức về sự thân mật và các quy tắc giao tiếp cũng sẽ biến mất dần dần rồi cạn kiệt.
03
Nói về mô hình cấu trúc gia đình lý tưởng, nhà tâm lý học người Đức Hellinger cho biết:
"Hai vợ chồng kề vai sát cánh, con đứng giữa trước mặt cha mẹ, như vậy mới hình thành được mối quan hệ tam giác cân bền vững".
Điều này có nghĩa là đặt nửa kia vào vị trí quan trọng như chính bạn, tôn trọng và yêu thương họ là nguồn quan trọng tạo nên cảm giác an toàn của trẻ.
Nếu bạn muốn duy trì cảm giác quyền lực của nửa kia, đồng thời vẫn muốn phê bình để họ hiểu ra điều gì đó, vậy thì chìa khóa nằm ở ba điều sau:
1. Đừng thể hiện sự coi thường nửa kia trước mặt trẻ
Nhiều khi lý do khiến cha mẹ thích vạch trần khuyết điểm của nửa kia trước mặt con cái, cũng chỉ để mong mình có thêm một cơ hội để tấn công đối phương và để con cái nhìn ra điểm không tốt của đối phương.
Nhưng làm như vậy chắc chắn là buộc trẻ em trở thành nạn nhân của các cuộc chiến tranh gia đình, và thiệt hại thu lại sẽ nhiều hơn lợi ích.
Chuyện của người lớn, hãy giải quyết nó theo cách của người lớn.
Trên con đường giáo dục con cái trưởng thành, một nửa còn lại chính là đồng đội, là đối tác quan trọng.
Để dành chút thể diện cho nửa kia, ngay cả khi không hài lòng, hãy nói chuyện sau khi cánh cửa phòng của hai vợ chồng đóng lại.
Hãy tôn trọng và đàng hoàng hơn trong cách sử dụng ngôn ngữ, ngay cả khi bạn có vẻ "thua cuộc" thì cuối cùng, người thắng chính là con bạn.
2. Đừng chuyển mọi vấn đề sang cho nửa kia
Cha mẹ nào cũng có lần đầu tiên nhận được cây gậy "giáo dục", mỗi người đều có chỗ chưa tốt và chưa hoàn hảo.
Cho dù có chuyện gì xảy ra, miễn là không đụng đến giới hạn, cha mẹ hãy cùng nhau cố gắng và cùng nhau tìm cách đối mặt để giải quyết.
Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc học, mọi người cùng ngồi xuống bình tĩnh và xem có thể giúp được gì cho trẻ hay không.
Khi kinh tế gia đình khủng hoảng, mọi người lại càng cần phải "bấu víu" vào nhau, cùng nhau vượt qua.
Việc mù quáng vứt hết trách nhiệm cho người còn lại, đồng thời đổ lỗi cho nửa kia không những không giải quyết được vấn đề mà còn mang lại áp lực nặng nề cho trẻ.
Do đó, biết cách đặt mình vào vị trí của người khác, nhìn nhận quan điểm của nhau và cùng nhau đối mặt với những khó khăn khi "điều hành" một gia đình, đây là cách làm của những bậc cha mẹ chất lượng cao.
3. Nói lời khẳng định và khen ngợi nửa kia nhiều hơn
Cựu giám đốc phỏng vấn tuyển dụng của MIT Trung Quốc, bà Jiang Peirong đã từng chia sẻ:
"Kể từ khi tôi biết trân trọng chồng và bày tỏ sự khẳng định và công nhận chồng, không chỉ cuộc hôn nhân trở nên viên mãn và mang một diện mạo mới, ngay cả những đứa con cũng ngày càng học cách tôn trọng cha chúng hơn, coi cha như một ‘anh hùng’."
Theo quan điểm của cô, ngay cả khi một số câu nói có vẻ hơi "sến", nhưng nếu bạn biết cách thể hiện tình yêu của mình và sẵn sàng nói điều gì đó để khen ngợi nửa kia của mình, trẻ sẽ quen dần và một ngày nào đó, chúng cũng sẽ đối xử với nửa kia của mình như vậy.
Hãy bao dung hơn và chủ động khám phá những ưu điểm của nhau, khi chất chất dinh ngọt ngào được bơm đầy vào tình cảm của hai vợ chồng, bông hoa hạnh phúc của cả gia đình sẽ nở rộ rực rỡ.
04
Mối quan hệ giữa cha mẹ ra sao, cuộc sống của con cái sẽ như vậy.
Cách giáo dục tốt nhất cho con cái chính là sự hỗ trợ và yêu thương lẫn nhau từ cha mẹ.
Chỉ khi cha yêu mẹ, mẹ quý trọng cha, không chê bai hay chỉ trích nhau thì con cái mới cảm nhận được sự ấm áp và tình yêu thương trong mối quan hệ thân tình.
Mỗi bậc cha mẹ nên có những hành vi tốt đối với nửa kia để cùng nhau tạo ra tiêu chuẩn tích cực cho sự phát triển của con cái.
Những đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương, một ngày nào đó cũng sẽ có thể gặt hái được tình yêu thương đặc biệt từ thế giới này.