Chiều 7-7, TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Đại diện các sở, ngành liên quan đã trả lời các cơ quan báo chí về nhiều vấn đề đang được quan tâm.
Dịch có dấu hiệu tăng
Về tình hình dịch COVID-19, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Lê Thiện Quỳnh Như cho biết tại TP.HCM ngày 4-7, Viện Pasteur TP.HCM cũng đã công bố phát hiện hai mẫu dương tính với biến thể phụ BA.4 và một mẫu dương với biến thể BA.5.
Tất cả mẫu dương tính này đều từ nguồn giám sát ngẫu nhiên qua hệ thống giám sát định kỳ liên tục của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, trả lời tại họp báo. Ảnh: NĐ
Hệ thống giám sát dịch của ngành y tế TP cũng cho thấy số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ trong ba tuần gần đây. Có ngày có trên 50 ca mắc mới (trước đây số ca mắc mới đã giảm sâu dưới 30 ca/ngày) dù số ca nhập viện và số ca nặng chưa có dấu hiệu tăng rõ.
Theo bà Như, ngành y tế đã sẵn sàng các kịch bản để thu dung điều trị các trường hợp F0 trong thời gian tới. “Quan trọng hơn là các biện pháp dự phòng COVID-19. Cần tuân thủ mang khẩu trang và khử khuẩn khi đến nơi công cộng. Cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tỉ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4) theo đúng tinh thần của chiến dịch tiêm vaccine do Thủ tướng phát động” - Phó Chánh văn phòng Sở Y tế thông tin.
Về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, bà Như cho biết chỉ riêng năm nay, tính đến ngày 5-7, tổng số ca mắc ở TP.HCM đã trên 23.000 ca. Trong đó có 11 trường hợp tử vong (có trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi).
Dự báo những tháng còn lại của năm 2022, những tháng cao điểm mùa mưa thì số ca mắc sẽ tăng cao, số ca nặng, tử vong cũng sẽ tăng nếu không quyết liệt phòng dịch bệnh ngay từ bây giờ…
Trả lời báo chí về hiện tượng một bộ phận nhân viên y tế nghỉ việc sau thời gian chống dịch COVID-19, bà Như thông tin: Theo Bộ Y tế, đã có hơn 9.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.
Tại TP.HCM, năm 2021 đã có 1.154 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 274 bác sĩ, 610 điều dưỡng. Trong sáu tháng đầu năm 2022, TP.HCM đã có 874 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 199 bác sĩ và 391 điều dưỡng…
Xử lý tình trạng “cò” làm hộ chiếu
Tại họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, trả lời câu hỏi báo chí về tình trạng những ngày gần đây người dân chen nhau làm hộ chiếu, người dân còn phản ánh có việc “cò” làm hộ chiếu.
Theo Thượng tá Hà, trong những ngày đầu tháng 7-2022, người dân đến trụ sở Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM cũng như các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên cả nước làm thủ tục cấp hộ chiếu tăng cao (số lượng tăng gấp đôi ngày thường).
“Đây là khoảng thời gian cao điểm về du lịch, nhu cầu đi du lịch các nước của người dân tăng cao. Để đảm bảo an ninh trật tự, các đơn vị liên quan đã huy động toàn nhân lực để giữ gìn an ninh, tiếp nhận hồ sơ cấp hộ chiếu từ 7 giờ đến 18 giờ. Sau 18 giờ tăng cường cán bộ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến…” - Thượng tá Hà nói.
Về thông tin ‘cò” làm dịch vụ hộ chiếu, Thượng tá Hà khẳng định: Các đối tượng “cò” chỉ hoạt động bên ngoài, không có móc nối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bên trong. Chiêu trò của các đối tượng này là lợi dụng tâm lý người dân đến làm hộ chiếu đông, lừa gạt người dân là có thể giúp nhanh để lấy tiền.
“Tuy nhiên, các đối tượng này không thể can thiệp, tác động vào quy trình cấp hộ chiếu” - ông Hà nói.
Cũng theo Thượng tá Hà, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP đã trao đổi với Công an quận 3 xử lý các đối tượng “cò” hoạt động ngoài trụ sở đơn vị. Đồng thời thực hiện đối chiếu số CCCD để cấp số thứ tự, ngăn ngừa “cò” xếp hàng lấy số thứ tự để bán lại vị trí. Người dân cần cảnh giác, tránh các đối tượng “cò” lôi kéo, dụ dỗ.